Ngày 18-4 chính quyền
Trung Quốc (TQ) đã bất ngờ thông báo thành lập cái gọi là hai huyện đảo Tây Sa
và Nam Sa trực thuộc TP tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vốn thuộc
chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam (VN). Phía VN đã không ngừng phản đối
các động thái vi phạm pháp luật mà TQ đã thực hiện suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, TQ có thể phải trả giá đắt hơn họ
nghĩ. Chuỗi hành vi của TQ trên biển, đi cùng với những bê bối liên quan dịch
COVID-19 (xuất phát từ TQ) khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế với chính quyền
Bắc Kinh suy giảm trầm trọng. Không thiếu các chỉ trích “thừa nước đục thả câu”
nhắm vào lãnh đạo TQ suốt thời gian qua. Việc lập ra các quận đảo đi cùng các
hành vi bắt nạt sẽ là “cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà”, khiến các nước
phản ứng mạnh.
Đầu tiên sẽ là các nước trong khu vực. VN,
trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 (và có thể kéo dài sang năm 2021 vì ảnh
hưởng của dịch) và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc,
chắc chắn sẽ có những bước đi ngoại giao quan trọng. Các nước ASEAN, trước các
mối đe dọa an ninh do TQ tạo ra, chắc chắn sẽ không ngồi yên. Các “liên minh mềm”,
ví dụ hợp tác về pháp lý, kinh tế, ngoại giao để đối trọng các hành xử sai trái
của TQ là điều hoàn toàn khả dĩ và đang được kỳ vọng rộng rãi. Một “nước Mỹ trên hết” ở xa khó chống lại
TQ. Tuy nhiên, các sáng kiến về an ninh - quốc phòng, kinh tế với sự tham gia của
các nước khu vực do Mỹ hậu thuẫn chắc chắn sẽ khiến TQ phải dè chừng.
Biển Đông là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng,
gắn liền lợi ích toàn cầu. Một khi niềm tin của các nước vào TQ suy giảm thì bằng
nhiều cách khác nhau, họ sẽ có phản ứng tiêu cực với Bắc Kinh. Điển hình là việc
cắt giảm đầu tư, chuyển hướng giao thương - hợp tác, lên án làm suy yếu hình ảnh
“cường quốc có trách nhiệm và ảnh hưởng” mà TQ đang cố gắng theo đuổi. Mất niềm
tin dễ dẫn đến việc TQ trắng tay và điều đó có vẻ không còn xa khi TQ vẫn hành
xử phi pháp như lâu nay./.
Nguyễn Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét