Cách
mạng Công nghiệp lần thứ Tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang tác động
toàn diện đến quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận thức được
điều đó để có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội
là vấn đề có tính cấp thiết.
Trong kỷ
nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác
động to lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sự tác động của nó
không chỉ ở các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, y tế, giáo dục,…
mà còn đến cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh, góp phần tăng thêm sức mạnh chiến
đấu của Quân đội, từ vũ khí, trang bị đến nhân tố con người; từ khoa học kỹ
thuật, nghệ thuật quân sự đến phương thức chỉ huy, điều hành tác chiến; từ công
tác tuyên truyền, giáo dục đến công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn
luyện và tổ chức, biên chế của Quân đội, v.v. Các yếu tố này luôn tác động,
biện chứng với nhau, tạo ra cả những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức.
Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta cần nhận thức, kịp thời có những chủ trương,
chính sách lượng đón phù hợp để tăng cường tiềm lực quốc phòng và sức mạnh
chiến đấu của Quân đội.
Trước sự tác
động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và yêu cầu hiện đại hóa, nâng cao sức mạnh
chiến đấu của Quân đội, chúng ta cần phải khai thác, phát huy triệt để tác động
tích cực, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này mang lại
liên quan đến sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Theo đó, cần quan tâm giải quyết
hai vấn đề chủ yếu: (1). Phải giữ vững bản chất cách mạng, mục tiêu, phương
hướng xây dựng Quân đội về chính trị trong điều kiện hiện đại hóa Quân đội từ
sự tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0. (2). Làm thế nào để khai thác, tận
dụng tốt nhất những thành tựu và điều kiện thuận lợi mà Cách mạng Công nghiệp
4.0 mang lại cho quá trình tăng cường sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Để giải
quyết vấn đề trên, cần nhận thức và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp
tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây là một
nguyên tắc bất di bất dịch, trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 lại càng
phải chú trọng. Điều này đã được Đảng ta khẳng định: “tiếp tục giữ vững, tăng
cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập
trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và
sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”2. Yêu cầu cốt lõi tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối
với Quân đội là phải đảm bảo cho Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất
lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với
Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Vì vậy, Đảng phải không ngừng đổi mới, xây dựng và
tự chỉnh đốn ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa. Đặc biệt, cần quan tâm chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị;
tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kỷ luật
cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thực sự là những hạt nhân nòng cốt,
gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tập trung xây dựng Đảng
bộ Quân đội, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong Quân đội đủ sức lãnh
đạo toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hai là, giải
quyết tốt mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong quá trình nâng cao sức
mạnh chiến đấu của Quân đội. Ưu thế vượt trội của cuộc cách mạng này là sự tích
hợp công nghệ thông minh tạo ra sản phẩm vũ khí, trang bị hiện đại. Do đó, giải
quyết mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong nâng cao sức mạnh chiến đấu
của Quân đội rất dễ xuất hiện tư tưởng “vũ khí luận”, coi trọng yếu tố vũ khí,
kỹ thuật, xem nhẹ yếu tố con người, nhân tố chính trị - tinh thần, dẫn đến tâm
lý chủ quan, không quan tâm, chú trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính
trị, làm chệch hướng chính trị của quá trình xây dựng, hiện đại hóa Quân đội.
Vì vậy, xây dựng, hiện đại hóa Quân đội không tuyệt đối hóa mặt nào mà căn cứ
vào thực tiễn đất nước, cùng với ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh
chủng, lực lượng, cần tập trung xây dựng Quân đội thực sự vững mạnh về chính
trị, bảo đảm Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt
đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Đối với nước
ta, những vũ khí, khí tài, trang bị và phương tiện kỹ thuật quân sự hiện có là
kết quả của việc kết hợp giữa đầu tư mua sắm với nghiên cứu cải tiến, ứng dụng
thành tựu khoa học của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước và bước đầu tiếp cận
Cách mạng Công nghiệp 4.0. Với những công nghệ trọng điểm của Cách mạng công
nghiệp 4.0, chúng ta có thể đổi mới tư duy về thiết kế; gia công chế tạo các
chi tiết, cấu kiện, các mạch điện tử tích hợp cực kỳ phức tạp. Công nghệ
rô-bốt, công nghệ lái tự động cho phép chúng ta có thể chế tạo các phương tiện
bay, phương tiện thủy không người lái đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự. Hệ
thống hạ tầng internet, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho phép chúng ta
chế tạo, tích hợp các hệ thống cảnh giới vùng trời, vùng biển, biên giới quốc
gia, v.v. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong vũ khí, các trang thiết
bị quân sự sẽ làm chúng thông minh hơn, hỗ trợ nhiều hơn, chính xác hơn cho mục
đích quân sự. Trước yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cần đặc biệt
coi trọng xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong Quân đội. Trong đó,
phải có chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao; tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, chương trình, phương
pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu, tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho quá
trình thích ứng và hội nhập quốc tế. Tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với
các trường đại học tiên tiến trong hệ thống giáo dục quốc dân để tạo ra nguồn
nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồng thời, đầu tư có
chiều sâu và hiệu quả để các trường đại học trọng điểm trong Quân đội đi đầu
trong nghiên cứu khoa học - công nghệ mới nhằm tiệm cận với trình độ của các
nước tiên tiến. Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ
huy, quản lý, cán bộ chuyên môn kỹ thuật có phẩm chất, năng lực, tác phong,
phương pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu của Quân
đội trong mọi tình huống. Cùng với quá trình giáo dục, đào tạo tại các nhà
trường, còn phải tích cực, tự giác, tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để
thực sự là người có tri thức, trình độ, chuyên môn sâu; luôn nắm vững, làm chủ
khoa học - công nghệ, làm chủ vũ khí, trang bị mới theo biên chế; có bản lĩnh
chính trị kiên định, tâm lý vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng,
ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, tiếp
tục kiện toàn tổ chức, biên chế của Quân đội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo
vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cách mạng Công nghiệp 4.0 với xu hướng tự động
hóa, kết nối thông minh là chủ yếu đã đặt ra yêu cầu cao đối với quá trình kiện
toàn tổ chức bộ máy Quân đội ta. Quán triệt và hiện thực hóa Nghị quyết Trung
ương 6 (khóa XII), Quân đội đang từng bước rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức
bộ máy theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao sức mạnh, khả năng
sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Trên cơ sở mô
hình hiện tại, tiếp tục khai thác, phát huy những đơn vị, quân chủng, binh
chủng hoạt động hiệu quả; đồng thời, điều chỉnh, sáp nhập, rút gọn, giải thể và
thành lập một số đơn vị, lực lượng đặc thù theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh
hoạt, có cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao. Hiện nay,
không gian mạng đã và đang trở thành vùng “lãnh thổ” có vai trò quan trọng; trở
thành một phương thức tác chiến trong chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ
cao. Do đó, việc Đảng, Nhà nước ta thành lập và đầu tư xây dựng Bộ Tư lệnh Tác
chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) trực thuộc Bộ Quốc phòng tiến thẳng lên
hiện đại, thể hiện tư duy nhạy bén và tầm nhìn chiến lược trước sự phát triển
mạnh mẽ của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Bốn là, đẩy
mạnh phát triển khoa học - công nghệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều
kiện của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ được
khai thác triệt để vào việc hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Sự xuất
hiện của các loại vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh sẽ làm thay đổi
phương thức tiến hành chiến tranh; không gian, thời gian, nghệ thuật tác chiến
và kể cả ranh giới tiến công, phòng ngự. Tiếp cận cuộc cách mạng này mang lại
cho chúng ta nhiều cơ hội, cho phép rút ngắn khoảng cách khoa học quân sự nước
ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những thành tựu của Cách mạng
Công nghiệp 4.0 đều có thể ứng dụng và làm thay đổi một cách căn bản về quan
điểm, cách thức tổ chức hoạt động quân sự. Các công nghệ trọng điểm, như: trí
tuệ nhân tạo, rô-bốt, vật liệu mới, internet kết nối vạn vật, năng lượng tái
tạo, in 3D, công nghệ sinh học,… đều có thể được ứng dụng trong các hoạt động
quân sự. Điều đó đặt ra cho Đảng, Nhà nước ta cần có sự đổi mới về tư duy,
không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ
quân sự gắn với đặc điểm, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội. Có chính
sách phát triển, thu hút đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học vào làm việc ở
các trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ của Quân đội, tạo môi
trường thuận lợi để thu hút, nuôi dưỡng tài năng của Quân đội và đất nước trong
giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề vừa cơ bản, vừa
cấp bách đặt ra trong xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp
4.0.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét