Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

4 ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ LÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO



1. ANH HÙNG LLVTND, GIU SE ĐỖ VĂN CHIẾN - NGƯỜI ANH HÙNG CỦA "TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH"
Giu se Đỗ Văn Chiến sinh ra tại giáo họ Thánh Giu-se, giáo xứ Liên Phú (Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định). Tháng 9/1966, khi vợ anh mang bầu đứa con đầu lòng, sắp đến ngày ở cữ thì anh lên đường tòng quân. Anh được huấn luyện cấp tốc rồi được điều thẳng sang nước bạn Lào, làm công tác vận chuyển quân lương vào giải phóng miền Nam.
Nơi anh vận tải là trọng điểm máu lửa Seng Phan (tỉnh Khăm Muộn), điểm yết hầu vận tải quân lương của bộ đội ta. Nắm rõ điều đó, địch ném bom không ngớt cả ngày lẫn đêm: Người, xe, đạn dược, lương thực... của bộ đội ta gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm!
Nhưng người thanh niên này kiên cường liên tục trong 3 năm, không một đêm nào vận tải dưới hai chuyến, đưa hàng đi đến nơi về đến chốn. Tháng cao điểm, anh em bị thương nhiều, anh tự nguyện: Một người làm việc bằng ba, vận tải đến 32 chuyến/tháng...
Ngày 22/12/1969, anh được đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND. Tiểu đoàn anh được mệnh danh là "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", cá nhân anh được mệnh danh "Con chim đầu đàn của Tiểu đoàn Đại bàng xanh, chuyên vượt bão lửa Seng Phan". Nhờ những chiến công đó, anh đã vinh dự được cử sang Trường Thanh niên (Liên Xô) học tập.
Về nước, trải qua các chức vụ từ trung đội, rồi lên đến Trưởng ban Thanh niên - Tổng cục Hậu cần, QĐND, ở đâu anh vẫn gương mẫu phấn đấu miệt mài. Sau 27 năm lên tục cống hiến cho quân đội, Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Chiến đã về nghỉ hưu và mang trên vai quân hàm đại tá... Rồi ông được giới thiệu tham gia giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực UBĐKCGVN; Ủy viên TW Hội CCB Việt Nam khóa II và III...
2. PHÊ-RÔ NGUYỄN QUANG HẠNH
Tháng 5-1965, Phê-rô Nguyễn Quang Hạnh, quê ở giáo họ Nam Đường, giáo xứ Hai Giáp, Bùi Chu (thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) khoác áo lính vào chiến trường. Năm đó, Nguyễn Quang Hạnh bước sang tuổi 23, để lại hậu phương đứa con trai đầu lòng còn đỏ hỏn, đôi bên cha mẹ đã đều bước sang tuổi thất thập... cho người vợ gầy yếu trông nom.
Sau 5 năm, khi anh đang đau đứt lòng thương xót đồng đội cùng Mặt trận 559 hằng ngày ngã xuống dưới mưa bom bão đạn của quân thù thì lại hay tin, đứa con duy nhất ở hậu phương, do thiếu sự chở che chăm sóc của anh đã... không còn!
"...Đau thương, dồn nén đau thương!", Phê-rô Nguyễn Quang Hạnh kể với tôi về những năm tháng binh lửa, bỗng thấy ông ngoảnh mặt sang một bên, đưa tay lên thấm thấm nước mắt, rồi ngẩng đầu lên kể tiếp với giọng mạnh mẽ: "Tôi còn nhớ như in những ngày ấy, tôi đeo lon thiếu uý mới toanh, cấp trên giao giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 59, Binh trạm 35. Lính chuyên vận tải hàng, chi viện cho chiến trường miền Nam, nhưng địch phát hiện chặn đánh, mỗi giờ chúng rải xuống không biết bao nhiêu bom.
...Một ngày lịch sử đã đến, hôm ấy, lệnh xuất quân của người chỉ huy vang lên: "Tiến!", ai nấy đều cầm chặt vô-lăng. Đoàn chúng tôi rời vị trí chưa được bao xa, thì cả đoàn đều phanh khự lại, chiếc xe đầu đoàn trúng bom, bùng cháy. Lúc đó, tôi đang lái chiếc xe đi thứ ba, lập tức nhảy ra khỏi xe, chạy lên chiếc xe đang cháy, lôi đồng chí lái xe đã đuối sức ra khỏi xe, nói như ra lệnh: "Xuống lái xe thứ 3!".
Và tôi liền lái chiếc xe cháy chạy theo hướng khác, tạo mục tiêu giả cho địch nhầm tưởng bắn theo! Càng chạy thì gạo trên xe càng bốc cháy thành những vệt khói ngoằn ngoèo... địch cho rằng đoàn xe của bộ đội ta vẫn còn đang nối đuôi nhau chạy, chúng lại càng giội bom và bắn rốc-két xuống những vệt khói... Khi địch còn đang mắc mẹo của tôi thì mũi kia, đoàn xe của ta đã băng qua khỏi cánh rừng già của huyện Bố Trạch thoát nạn.
Nhờ những mẹo đó mà chúng tôi đã bảo toàn được đạn dược, đưa hàng tới đích; cá nhân tôi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND", ông Phê-rô Nguyễn Quang Hạnh nay xúc động nhớ lại
3. PHÊ RÔ NGUYỄN VIẾT HỒNG
Cách nay 40 năm, vào mùa xuân năm 1968, tại giáo xứ Giáp Hạ, nay là giáo xứ Châu Thành, giáo phận Vinh (thuộc Thạch Trung, Thạch Hà, Hà Tĩnh) có người thanh niên Công giáo là Phê rô Nguyễn Viết Hồng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người gầy nhom, thấp bé tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng vừa hành quân vừa huấn luyện, anh được biên chế về làm Tiểu đội phó phụ trách hậu cần tại đơn vị Công binh thuộc Binh đoàn 559. Nhiệm vụ của các anh là cảm tử rà phá hàng tấn bom rơi mỗi ngày trên đường Trường Sơn giúp cho xe bộ đội ta qua.
Đế quốc Mỹ trút xuống khúc ruột miền Trung mỗi ngày hàng ngàn tấn bom đủ loại hòng chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Quái ác thay, trong số hỗn hợp bom rơi ấy, kẻ thù thâm độc luôn ném kèm bom khoan, một mặt chúng khoan phá con đường huyết mạch chiến dịch, một mặt chúng khoan hố để đổ các loại bom khác có sức công phá khủng khiếp xuống lòng đất đợi xe ta qua, hay đợi bộ đội ta rà phá bom mìn chạm nhẹ là... nổ.
Đối mặt giữa cái sống cái chết trong tình hình ấy, người thanh niên Nguyễn Viết Hồng không hề quản ngại, anh mưu trí dũng cảm, sẵn sàng quên mình phục vụ đồng đội, tốp này ngã xuống lại đến tốp sau...!
Thấy đồng đội mình hằng ngày, hằng giờ bị thương, ngã xuống nhiều quá, là một Tiểu đội phó phụ trách hậu cần, anh trăn trở và nghĩ ra được cách hạn chế sát thương đồng đội. Cách làm của anh thật đơn giản mà bấy lâu chưa ai nghĩ ra: Anh dùng rơm, rạ kết thành bộ áo giáp mặc trong lúc rà phá bom mìn, cách làm này đã giảm thiểu đáng kể về thiệt hại sinh mạng cũng như sát thương cho cán bộ, chiến sỹ các đơn vị Công binh trong Binh đoàn 559.
Từ sáng kiến trên và cùng với những chiến công khác, đến đầu năm 1973, Nguyễn Viết Hùng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Thạch Trung cũng quyết định chọn đặt tên con đường trục chính của xã thành đường tên anh, đường "Anh hùng Nguyễn Viết Hồng"... Kể từ đó, như một nguồn cổ vũ kỳ diệu đối với thanh niên địa phương lớp lớp tình nguyện lên đường!
4. ANH HÙNG TRẦN LÂM
Anh hùng Trần Lâm sinh năm 1952, tại giáo xứ Tam Tổng, giáo phận xứ Thanh. Tháng 7/1968, Trần Lâm tình nguyện lên đường nhập ngũ. Lúc đầu vào chiến trường, đơn vị anh đã gặp ngay thử thách: Cả đơn vị Công binh của anh đang loay hoay không biết làm thế nào để giải quyết dứt điểm vũng bùn sình lầy (ở rừng Trường Sơn) cho tăng và các phương tiện khác đi qua? "Phải vét bùn lầy đi, đổ đá, vật liệu cứng... xuống", anh nghĩ thế nhưng thật trớ trêu, nếu dùng sức người vục từng xô bùn, dùng xẻng công binh hất từng xẻng sỏi... thì phải cần tới mười lần quân số đơn vị anh lao động ngày đêm liên tục cũng phải kéo dài cả... tháng!
Làm thế nào đây? Một sáng kiến vụt lóe trong đầu anh, ở gần đó có một dòng suối chảy với cường độ rất mạnh, anh cho chặn đứng dòng chảy". Lợi dụng quy luật "nước chảy chỗ thấp", anh cho xẻ một con ngòi sang khu sình lầy như lũ ống để tự sức nước quét sạch khu sình ấy đi... Sau đó, anh cho phá đập, trả lại nguồn suối tiếp tục ầm ầm chảy ngày đêm; còn khu sình lầy anh cho đá hộc, vật liệu cứng tống xuống... xe ta lại băng băng qua. Sáng kiến trên của anh đã được đơn vị ghi nhận là độc đáo, dễ ứng dụng, tiết kiệm sức người sức của, và là một trong những chiến công của "Anh hùng LLVTND Trần Lâm"...
Trần Lâm cống hiến tận tâm cho Quân đội đến đầu năm 1991, khi đất nước bước sang thời kì đổi mới một cách mạnh mẽ, đồng lương người lính được cải thiện; lẽ của người đời "ngồi lại" làm... quan binh thời bình, hưởng vinh hoa, thì ông lại xin được khoác ba-lô con cóc ra về. Trong con mắt nhân dân địa phương: chữ Liêm trong ông luôn ngời sáng./.
 Ngọc Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét