Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định
những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
(XHCN) trong tình hình mới; quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi những
quan điểm cơ bản đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện
nay.
“Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh
quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường
xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân
đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Đây là sự thể hiện quan điểm
xuyên suốt của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của đất
nước; nhất là trong tình hình mới, Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ phát triển
kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Các nhiệm vụ này phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng, tác động hỗ trợ và
thúc đẩy lẫn nhau. Theo đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh cũng có
nghĩa là tạo điều kiện, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội; ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội lại tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh
của quốc gia. Vì vậy, cần giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân, toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước nhận thức sâu sắc hơn nữa đối
với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc hiện nay.
“Mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an
ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống
chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên
quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn
vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ
nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo
vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Như vậy, nội hàm của vấn đề bảo vệ Tổ
quốc được mở rộng và bao trùm hơn, thể hiện tính toàn diện, tổng thể của nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ở đây, cần đặc biệt chú trọng tới mối
quan hệ biện chứng của mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc… luôn gắn liền với mục
tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của quốc gia. Đây là hai mặt của vấn
đề liên quan hết sức mật thiết với nhau, nhất là trong điều kiện hiện nay. Vì
vậy, cần luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả vấn đề này trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong xử lý những vấn đề nhạy
cảm, phức tạp hiện nay trên tinh thần coi mục tiêu tối thượng là bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế
độ XHCN và đi liền với đó là phải giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để
tranh thủ mọi nguồn lực (cả nội lực và ngoại lực) nhằm xây dựng, phát triển đất
nước bền vững hơn. Tích cực đấu tranh với những quan điểm phiến diện, lệch lạc
về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Hội nghị tổng kết công tác quân sự, quốc
phòng năm 2019 và thông qua dự thảo Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm
2020 được tổ chức tại Hà Nội trong ngày 1/12 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố
quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc tiếp tục đặt ra “yêu cầu mới” dựa trên Nghị quyết
lãnh đạo năm 2020.
Như vậy có thể khẳng định rằng: Những
quan điểm, chủ trương, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam XHCN trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, có sự bổ sung, phát triển
toàn diện, sâu sắc thể hiện tính cách mạng, khoa học, phù hợp tình hình quốc tế
và điều kiện thực tiễn của nước ta; phù hợp ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân ta trong tình hình mới hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét