Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

CHIÊU BÀI NÚP BÓNG "XÃ HỘI DÂN SỰ"



Vài năm gần đây, cái gọi là “xã hội dân sự” được nhiều cá nhân bất mãn chính trị và các thế lực thù địch thường xuyên đề cập trên một số diễn đàn mạng xã hội. Đằng sau việc hô hào phát triển "xã hội dân sự" theo mô hình phương Tây, các thế lực thù địch âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống phá sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta.
Khái niệm “xã hội dân sự” hiện có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng đại ý chung “là không gian xã hội công cộng nằm ngoài nhà nước, thị trường và lĩnh vực riêng tư của cá nhân, bao gồm tổng thể các định chế xã hội độc lập tương đối với Nhà nước và hoạt động tự nguyện trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội” (theo Tạp chí Cộng sản)… Về bản chất, “xã hội dân sự” có một số điểm tích cực. Đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý vì mục tiêu khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước…
Song, do thiếu định nghĩa chuẩn mực cũng như góc nhìn về “xã hội dân sự” khác nhau nên khái niệm này thường bị giải thích một cách chủ quan bởi ý chí của người sử dụng. Trong khi đó, thực tiễn biến động chính trị ở Ukraine, Trung Đông, Bắc Phi gần đây qua các cuộc “cách mạng màu”, “mùa xuân Arab” đã cho thấy, các thế lực bên ngoài bất chấp pháp lý và đạo lý của các quốc gia, đặc biệt chú trọng thúc đẩy, hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” nhằm từng bước tạo ra tổ chức đối lập, hình thành xã hội đa nguyên, đa đảng; áp đặt các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa theo kiểu của họ và coi đó là phương thức hoạt động chủ yếu nhằm chuyển hóa chế độ xã hội ở các quốc gia được cho là không cùng ý thức hệ.
Đối với nước ta, trong 10 năm trở lại đây, lợi dụng việc đề cao các quyền lập hội, quyền công dân, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do báo chí, các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với các phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn chính trị bên trong đã thổi phồng và lợi dụng chiêu bài “xã hội dân sự” để chống phá quyết liệt. Chúng tìm cách lôi kéo quần chúng vào các nhóm, hội, diễn đàn tự phát với nội dung: Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ môi trường, dân chủ, nhân quyền… để tập hợp lực lượng qua các mạng xã hội, như: Diễn đàn xã hội dân sự, Hội Anh em dân chủ, Văn đoàn độc lập, Hội Nhà báo độc lập, Hội Phụ nữ nhân quyền…
Ngoài ra, thông qua dự án tài trợ, tổ chức hội thảo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ..., không ít tổ chức phi chính phủ (NGO) ngoài nước đã tìm cách tiếp xúc, móc nối, mua chuộc số cán bộ, đảng viên thoái hóa để tuyên truyền, kích động tâm lý bất mãn, lôi kéo họ thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước. Chúng khai thác, lợi dụng internet để phát tán thông tin thất thiệt, bịa đặt, bôi nhọ Đảng, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo; tung hô những chức sắc tôn giáo, trí thức, văn nghệ sĩ bất mãn, cơ hội chính trị; kích động tư tưởng vô chính phủ, tuyên truyền các giá trị ưu việt của văn hóa phương Tây... Mục đích cuối cùng là làm “đổi màu” các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, từ đó phê phán công cuộc đổi mới, tiến tới đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định hành vi phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi phát triển "xã hội dân sự"… là một trong những hình thức “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhanh nhất. Nếu cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không hiểu rõ bản chất, nắm vững vấn đề thì rất dễ “nhiễm độc”.
Như đã đề cập, quyền tự do lập hội, quyền công dân, quyền tự do tôn giáo và quyền tự do báo chí được Đảng, Nhà nước ta đề cao thời gian qua, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Bằng chứng là hiện có gần 400 hội đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc; trên 600 tổ chức nghiệp đoàn đang hoạt động tại các địa phương và khoảng hơn 600 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam, trong đó có gần 400 tổ chức có các chương trình, dự án triển khai tại nước ta. Riêng tôn giáo (một trong những lĩnh vực được các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta), quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân thời gian qua cũng hết sức được coi trọng. Cụ thể là đến cuối năm 2018, nước ta đã có 16 tôn giáo và 43 tổ chức pháp môn tu hành được công nhận. Từ năm 2001 đến 2017, tỷ lệ tín đồ tôn giáo đã được công nhận tăng lên 6% dân số…
Trước tình hình trên, việc đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng “xã hội dân sự” chống phá Việt Nam là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó, vấn đề đầu tiên là phải phân biệt, đánh giá đúng vai trò, vị trí của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để tập trung lãnh đạo, định hướng tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước; cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, không để bị tác động, lôi kéo vào các hành vi làm tổn hại đến đất nước. Muốn vậy, bản thân các tổ chức này cũng cần phải tự thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, gắn bó mật thiết hơn với đời sống xã hội và thành viên của tổ chức mình.
Ngoài ra, một vấn đề rất quan trọng cần được làm thường xuyên, liên tục là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức quần chúng. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy tốt hơn chức năng phản biện xã hội, giám sát, vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, phản biện, góp ý kiến trong việc hoạch định cơ chế, chính sách nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở trong sạch, vững mạnh, tiếp tục phát huy tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam; kiên quyết xử lý các tổ chức hội, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động vi phạm pháp luật; kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội theo đúng định hướng phát triển đất nước.
Đặc biệt, đối với các tổ chức hội, cá nhân có biểu hiện hoạt động phức tạp, có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng tự do, dân chủ chống, phá Đảng, Nhà nước, nhân dân cần phải bị xử lý nghiêm khắc; cùng với đó là tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa chính trị đối với quần chúng, nhân dân bị các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong, tạo ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội để đất nước phát triển.
 Đức Toàn







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét