Cách đây mấy ngày, trong chương trình thời sự 19h, kênh VTV1 Đài Truyền
hình Việt Nam đã phát một chuyên đề cảnh báo về những nguy hại của thông tin
giả (fake news), thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội đối với an ninh quốc gia,
trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực ra, đây không
phải lần đầu tiên báo chí lên tiếng cảnh báo về việc này.
Không ai có thể phủ nhận
tiện ích của mạng xã hội và nó đang được sử dụng rộng rãi để giúp con người kết
nối, sẻ chia. Không ít những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, cảnh đời cơ nhỡ cần
giúp đỡ, cưu mang đã được xã hội sẻ chia tình cảm và vật chất; nhiều tấm gương
sáng, hành động đẹp trên đường, trong cuộc sống hàng ngày được chia sẻ, qua đó
nhân lên, khơi gợi tình yêu thương đồng bào, tình yêu đất nước vốn là những giá
trị văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam. Một ví dụ điển hình là những chiến
thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam được chia sẻ trên các mạng xã hội làm nức
lòng người hâm mộ, góp phần kết nối muôn người Việt Nam, khơi dậy niềm tự hào
về Tổ quốc mến yêu. Tuy nhiên, cùng với các tính năng hữu dụng, mạng xã hội
cũng lắm “cạm bẫy”, nếu người dùng thiếu tỉnh táo rất dễ bị mắc phải.
Như biên tập viên của
Đài Truyền hình Việt Nam đã thông tin, hiện nay trên mạng xã hội, nhất là
Facebook rất nhiều các nickname (biệt danh) giả các đồng chí lãnh đạo Đảng và
Nhà nước. Các nickname giả này hàng ngày cập nhật các hoạt động của các đồng
chí lãnh đạo khiến người xem lầm tưởng như thật. Nguy hiểm ở chỗ các nickname
này đưa ra những thông tin giả là nhận định hay chỉ đạo về chủ trương, đường
lối của đất nước.
Những thông tin được
người dùng mạng xã hội quan tâm, bình luận chia sẻ nhất đó là thông tin về công
tác đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang chỉ đạo quyết
liệt. Tuy nhiên, không ít người đã thông tin sai lệch, sai bản chất sự việc,
như thông tin công an đã bắt người này, khám nhà người kia. Bên cạnh đó, mỗi
hiện tượng, sự việc trong cuộc sống hàng ngày qua mạng xã hội dễ lập tức trở
thành “nóng”, lan toả với tốc độ chóng mặt tạo nên “hội chứng đám đông” như
chuyện mới đây, vụ việc bé trai 6 tuổi học trường Gateway (Hà Nội) tử vong làm
“nóng”, khiến dư luận tò mò và luôn theo dõi. Một số đối tượng đã tung tin ông
Ph. người lái xe buýt đưa đón học sinh để xảy ra sự việc đã tự tử khiến Công an
quận Cầu Giấy phải lên tiếng khẳng định không có việc ấy.
Đáng ngại hơn là hậu quả
của những thông tin sai lệch về tình hình Biển Đông, về những chủ trương, định
hướng đầu tư, những dự án hợp tác quy mô tầm quốc gia của đất nước. Những thông
tin này luôn được các thế lực thù địch, những đối tượng có tư tưởng chống phá
Đảng, dân tộc, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước triệt để lợi dụng
hòng làm nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận. Không ít đối tượng lục lại
lịch sử, tung ảnh cắt ghép, thông tin sai sự thật về quan hệ của Việt Nam với
các nước.
Các văn bản pháp luật
của Nhà nước ta ban hành quy định rất rõ về xử lý các hành vi vi phạm trong
dùng mạng xã hội. Không ít trường hợp vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử lý
nghiêm khắc. Bởi vậy, mỗi người dùng mạng xã hội hãy tỉnh táo, biết phân biệt
đúng sai và luôn có thái độ đúng đắn trước mọi thông tin trên mạng, có ý thức
cao với toàn bộ hành vi của mình khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Cần sàng
lọc, nhận diện những trang thông tin, diễn đàn, fanpage… thường xuyên đăng tải
những thông tin xấu, nhằm đề cao cảnh giác chiêu trò ném đá giấu tay; hết sức
thận trọng với việc đưa thông tin lên mạng hoặc like, share những thông tin
chưa được kiểm chứng; đặc biệt là về những vấn đề nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an
ninh quốc gia, kinh tế đất nước và trật tự xã hội./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét