Những năm qua, nhằm thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" đối với
Việt Nam, các thế lực thù địch đã sử dụng tổng hợp các phương pháp, cách thức
chống phá trên mọi lĩnh vực xã hội, trong đó, chúng triệt để sử dụng phương
thức, thủ đoạn mới là "bất tuân dân sự" nhằm gây mất ổn định an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH), tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư
bản.
1. Bản chất
"bất tuân dân sự" là coi thường kỷ cương phép nước
Thuật ngữ "bất tuân dân sự"
(hay còn gọi là chống đối chính phủ dân sự) lần đầu tiên xuất hiện trong một
bài luận với nhan đề "Dân sự bất hợp tác" của nhà văn người Mỹ, Henry
David Thoreau vào tháng 5-1849. Nội dung cơ bản của bài luận bàn về mối quan hệ
giữa cá nhân với nhà nước.
Đến thế kỷ 20, quan điểm của Thoreau về
"bất tuân dân sự" phát triển thành phương thức đấu tranh bất bạo động
và trở thành một mũi tiến công quan trọng trong chiến lược "diễn biến hòa
bình" của chủ nghĩa đế quốc nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính
trị ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó có Việt Nam và những nước
không cùng phe với họ. “Phương thức hoạt động” này được áp dụng trong cuộc
"cách mạng màu", "cách mạng đường phố" ở Đông Âu và Liên Xô
vào những năm cuối thế kỷ 20; làn sóng "Mùa xuân Ả Rập" ở các nước
Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010, phong trào biểu tình nhằm lật đổ
chính phủ ở Venezuela (từ năm 2017 đến nay); phong trào chống sửa đổi dự luật
dẫn độ tại Hồng Công (Trung Quốc) năm 2019...
Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy,
"bất tuân dân sự" có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức “xã hội dân
sự”. Với lập luận, “xã hội dân sự” là “đối quyền của quyền lực nhà nước” để tập
trung đòi thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ quyền lực chính trị cho “xã hội
dân sự”; thực chất là cổ vũ tư tưởng coi nhà nước đối lập với “xã hội dân sự”;
kích động thái độ vô chính phủ hòng từng bước đưa “xã hội dân sự” thành lực
lượng đối trọng với nhà nước; chủ nghĩa đế quốc coi hình thành “xã hội dân sự”
là điều kiện, tiền đề cho việc cổ xúy tự do cá nhân, lấy "bất tuân dân
sự" làm phương thức cơ bản để lật đổ chính quyền nhà nước.
2. Bản chất và phương thức của
"bất tuân dân sự"
Xét trên phương diện đó, có thể thấy
"bất tuân dân sự" có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Là hoạt động công khai từ chối tuân
theo, hoặc vi phạm một cách cố ý các quy định của pháp luật hoặc cản trở việc
thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước; gây áp lực buộc nhà nước phải thay
đổi chính sách, pháp luật. Những người tham gia “bất tuân dân sự" thể hiện
sự phản kháng, không tuân thủ pháp luật thông qua hình thức đấu tranh “ôn hòa,
bất bạo động”. Tuy nhiên, tính chất “bất bạo động” có thể chuyển hóa thành bạo
động rất nhanh chóng trong những hoàn cảnh cụ thể; khi gặp thời cơ thuận lợi và
đủ điều kiện chín muồi.
Mục đích và hình thức thể hiện: Thông
qua việc từ chối tuân theo hay cản trở việc thực thi pháp luật, gây áp lực đối
với nhà nước, các đối tượng thực hiện “bất tuân dân sự" nhằm mục đích cuối
cùng là vô hiệu hóa hoạt động của chính quyền, tiến tới lật đổ nhà nước, thay
thế bằng một chế độ chính trị mới theo mô hình của chủ nghĩa tư bản. Để che
giấu mục đích đó, các thế lực thù địch thường che đậy, ngụy trang dưới những vỏ
bọc khác nhau, như: Tụ tập, tuần hành nhằm “phản kháng ôn hòa”, “phản kháng bất
bạo động”, “biểu tình ôn hòa”. Đối với Việt Nam, chúng triệt để lợi dụng các
vấn đề “dân chủ, nhân quyền”,“dân tộc, tôn giáo” hoặc lợi dụng các sự kiện
chính trị-xã hội phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quyền và lợi ích của con
người để lôi kéo, kích động, thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động,
như: Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, phản đối đặt trạm
thu phí, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... thực chất là để thực hiện “bất tuân dân
sự” nhằm chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Chủ thể tiến hành là những cá nhân, tổ
chức phản động như: “Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội văn đoàn độc lập
Việt Nam”, “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Mạng lưới Blogger Việt Nam”... giữ
vai trò chỉ đạo, tài trợ kinh phí, chỉ đạo đường lối, đào tạo, huấn luyện
phương thức hoạt động cho các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, đối tượng
hình sự trong nước... trở thành cộm cán thu hút, lôi kéo, tập hợp người dân
tham gia các hoạt động “bất tuân dân sự”. Số đối tượng trong nước ráo riết thu
thập tình hình, phát triển lực lượng, hình thành các hội nhóm hoạt động “bất
bạo động”. Chúng thông qua mạng xã hội, internet, rải truyền đơn, tờ rơi... để
tuyên truyền, vận động thu hút, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động do
chúng chỉ đạo.
Hậu quả của “bất tuân dân sự” để lại rất
nặng nề, kéo dài không chỉ về kinh tế-xã hội mà còn gây ảnh hưởng đến
ANCT-TTATXH, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của
người dân đối với chính quyền. Điển hình như vụ người dân phản đối trạm BOT Cai
Lậy (Tiền Giang) năm 2017, vụ người dân tại Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai...
xuống đường phản đối Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn,
Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng năm 2018... các đối tượng đã kích
động người dân đập phá trụ sở chính quyền, gây cản trở giao thông, đốt phá tài
sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, làm bị thương nhiều cán bộ thực
thi nhiệm vụ, gây ngừng trệ hoạt động của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp
và người dân, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của công
dân và xã hội.
Thực tế ở Việt Nam những năm qua đã cho
thấy, để thực hiện “bất tuân dân sự”, các thế lực thù địch ra sức cổ xúy quyền
tự do vô giới hạn trong các lĩnh vực xã hội và liên kết hình thành các hội,
nhóm “xã hội dân sự” với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ... thu hút các tầng lớp xã
hội tham gia, như: “Hội phụ nữ nhân quyền”,“Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em
dân chủ”… Chúng lợi dụng sơ hở của chính quyền trong thực thi pháp luật để lôi
kéo người tham gia phát triển lực lượng hoạt động theo kiểu “bất bạo động” xâm
phạm ANCT-TTATXH. Đặc biệt, các đối tượng thù địch tìm cách lôi kéo, mua chuộc
cán bộ, đảng viên và người dân tích cực tham gia phản biện chính sách, phản
biện xã hội, tác động và gây sức ép đòi thay đổi chính sách, hệ thống pháp luật
và lĩnh vực tư pháp nhằm chống lại Đảng, Nhà nước Việt Nam.
3. Không để
kẻ xấu lợi dụng, chống phá
Cần khẳng định rằng, Nhà nước Việt Nam
tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân được bày tỏ quan điểm một cách công
khai đối với các chủ thể khác mà đặc biệt là với Nhà nước trên cơ sở pháp luật;
đồng thời, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm hoạt động lợi dụng quyền và tự do
cơ bản của con người để gây mất ổn định. Mọi công dân đều phải chịu sự quản lý
của Nhà nước, không cá nhân nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích
quốc gia, dân tộc. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và xử lý nghiêm bất kỳ ai tham
gia “bất tuân dân sự” cản trở thực thi pháp luật, chống đối chính quyền, xâm
phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
4. Để đấu
tranh, ngăn chặn hiệu quả với hoạt động này, cần thực hiện các giải pháp trọng
tâm sau:
Một là, công tác phòng, chống hoạt động
lợi dụng “bất tuân dân sự” xâm phạm ANCT-TTATXH nước ta luôn phải đặt dưới sự
lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng; sự quản lý, điều hành của
Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công
tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng
phương thức này chống phá Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất của “bất
tuân dân sự”, về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu
tranh ngăn chặn hoạt động “bất tuân dân sự” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ
xã hội Việt Nam, coi đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân để
huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng
công tác nắm tình hình, phân tích, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lợi
dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... kích động, lôi kéo nhân dân tham
gia "bất tuân dân sự" để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu
tranh. Nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tham mưu, đề xuất các
cơ quan chức năng giải quyết triệt để, thỏa đáng trên cơ sở pháp luật. Kịp thời
phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để
kéo dài, không lây lan, vượt cấp. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về dân chủ,
nhân quyền phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm yêu cầu đặt ra
theo hướng kiên định về nguyên tắc nhưng khôn khéo, linh hoạt về phương pháp,
tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế,
kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không gây sơ hở để địch lợi dụng
vu cáo, xuyên tạc.
Ba là, tăng cường công tác quản lý báo
chí, xuất bản; kiểm soát chặt chẽ an ninh thông tin, quản lý internet, tích cực
đấu tranh ngăn chặn việc tán phát tài liệu, tin tức xuyên tạc, thù địch về dân
chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... ở nước ta. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các
thành tựu khoa học công nghệ mới, trang bị các phương tiện thiết bị hiện đại
nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực báo
chí, xuất bản, internet… đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu
tranh với hoạt động "bất tuân dân sự".
Bốn là, cần quán triệt tinh thần giải
quyết vấn đề tụ tập đông người, biểu tình, đình công theo đúng cơ chế: Đảng
lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện; chính quyền quản lý, điều hành; lấy
vận động thuyết phục là chính, kiên quyết thu hẹp vụ việc, không để lây lan,
kéo dài. Khi phát hiện có tuần hành, tụ tập đông người hay biểu tình, đình
công, cần nhanh chóng đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân
của vụ việc; thực hiện phân hóa số đối tượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị
dụ dỗ, lôi kéo; tuyên truyền vận động, thuyết phục quần chúng giải tán; kiên
quyết xử lý theo pháp luật số đối tượng cầm đầu, chủ mưu, cốt cán kích động,
lôi kéo người dân tham gia "bất tuân dân sự".
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển
kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội,
nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền
và lợi ích của người dân trên cơ sở pháp luật; tăng cường củng cố quốc phòng,
an ninh bảo đảm ổn định ANCT-TTATXH. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở
cơ sở bảo đảm thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở
địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy nhà
nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường
đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của
dân, do dân, vì dân. Chính quyền các cấp phải nêu cao vai trò, trách nhiệm phục
vụ nhân dân, vì nhân dân; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các vấn đề
bức xúc của nhân dân trên cơ sở pháp luật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét