Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

VỤ VIỆT Á: THI HÀNH KỶ LUẬT NGHIÊM MINH VỚI NGƯỜI MẮC SAI PHẠM

 

Từng có ý kiến băn khoăn về việc các cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật sẽ làm giảm uy tín của Đảng, tạo cớ cho thế lực thù địch lợi dụng, nói xấu Đảng ta.Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có cơ sở.

Xử lý kỷ luật Đảng cũng như xử lý kỷ luật về hành chính một cách đồng bộ và hết sức nghiêm khắc đối với các cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, trong đó có cán bộ cấp cao như ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long có tác dụng răn đe rất lớn, dập tắt những hy vọng mơ hồ về việc vi phạm khuyết điểm mà vẫn khéo léo "lọt lưới" hay vì từng có công lớn mà được bao che, giảm tội.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng, không "ngừng," không "nghỉ," không kể đó là ai,

Thực tế cho thấy, trong suốt 92 năm hình thành và phát triển, Đảng ta luôn thực hiện song hành nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn đảng.

Việc "xây" và "chống" hoàn toàn không dễ dàng vì có liên quan mật thiết đến công tác cán bộ, đến yếu tố con người với những diễn biến tâm lý phức tạp bên trong cùng tác động của môi trường, hoàn cảnh bên ngoài. Không dễ dàng nhưng phải kiên quyết thực hiện vì điều này quyết định sự tồn vong của Đảng và vận mệnh của đất nước.

Tham nhũng nói riêng, và tiêu cực nói chung, đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tham nhũng và tiêu cực có liên quan đến nhau, có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…

Còn tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ thêm về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa."

Theo Tổng Bí thư, tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Tổng Bí thư yêu cầu, trong thời gian tới phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cán bộ cấp chiến lược ngoài các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh cụ thể đã nêu trong Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị thì cần có một số tiêu chuẩn cao hơn, được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về chính trị, tư tưởng, cán bộ cấp chiến lược phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chủ nghĩa cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái, những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Về đạo đức, lối sống, cán bộ cấp chiến lược phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình; luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét