Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

NỘI DUNG: “CHỐNG THAM NHŨNG PHẢI QUYẾT TÂM, KHÔNG BỎ DỞ GIỮA CHỪNG”

 

“Người dân mong Đảng làm mạnh hơn nữa, chống tham nhũng phải quyết tâm, không bỏ dở giữa chừng. Kỳ này, Đảng quyết tâm làm đến cùng chứ không bỏ lửng”, đó là những lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19 đang đi đúng hướng, mang lại những thành tựu quan trọng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng như cộng đồng quốc tế. Phải thấy rằng, trong điều kiện vừa phải nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Đảng ta vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều đó được khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần 5 khóa XIII của Đảng. Rõ nét nhất là một số vụ án làm lũng đoạn thị trường chứng khoán, tiền tệ, đất đai (Tân Hoàng Minh, FLC), mua bán trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch (Công ty Việt Á)… được phát hiện, ngăn chặn. Không ít cán bộ có chức quyền, giữ cương vị chủ chốt (từ Trung ương tới cơ sở) “nhúng chàm” đã bị đưa ra ánh sáng; tài sản, tiền bạc thu nhập bất chính của một số cá nhân trục lợi bước đầu được kê biên, phong tỏa, thu hồi.

Những động thái và kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng thời gian qua đã cho thấy không có vùng cấm, cả cán bộ có chức quyền, dù ở cương vị nào, các vụ tham nhũng liên quan đến lợi ích nhóm, tham ô tiền của dân, tài sản nhà nước làm giàu bất chính… đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Trong số đó, có cả cán bộ giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, cả Trung ương cũng như địa phương.

Phát biểu trước cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt câu hỏi đồng thời khẳng định: “Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, không phải xử nặng đã là tốt, mà sao để người bị xử nhìn thấy sai lầm khuyết điểm của mình, cũng như phải thu hồi cho bằng được tài sản tham nhũng thì mới được lòng dân”.

Kết quả, tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bước đầu đã có một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo, như Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sóc Trăng, An Giang …

Chắc chắn rằng, cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng sẽ không có điểm dừng, mang lại kết quả toàn diện, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân; là cơ sở để xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh. Đó cũng là nhân tố tạo thêm sức mạnh và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét