Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 

Một trong những thành tựu nổi bật của sự nghiệp đổi mới là công tác giáo dục quốc phòng - an ninh được Đảng, Nhà nước chú trọng thực hiện, đạt kết quả thiết thực. Ngày nay, đất nước đang đi sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh phải được tăng cường hơn nữa, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Nắm vững và vận dụng quy luật "Dựng nước đi đôi với giữ nước" của dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Đảng ta khẳng định: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó luôn được thực hiện đồng thời và kết hợp chặt chẽ với nhau. Thực tiễn công cuộc đổi mới cho thấy: những thành tựu mà nhân dân ta giành được trong sự nghiệp xây dựng đất nước luôn gắn liền với những thành tựu đạt được trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để phát triển; kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện; quan hệ đối ngoại được mở rộng và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; uy tín và vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao, góp phần tăng cường thế và lực mới của đất nước.

Tình hình trên đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, giáo dục quốc phòng - an ninh nói riêng những nhiệm vụ và yêu cầu mới rất cao, rất nặng nề. Điều quan trọng trước hết là phải giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và toàn dân nhận thức đúng mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, cũng như đặc điểm, tính chất phức tạp, sự tác động của nó đối với sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức và cá nhân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động công tác theo chức năng, nhiệm vụ và trên cương vị, chức trách được phân công. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên và công chức là, dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng phải nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược, thấu suốt quan điểm: lấy giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh là lợi ích cao nhất của đất nước. Trong quá trình hội nhập, phải tỉnh táo, linh hoạt, mềm dẻo; khi xử lý các vấn đề trong quan hệ hợp tác, nhất là những vấn đề nhạy cảm phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoạt động kinh tế, đương nhiên phải đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, nhưng không phải là duy nhất mà phải đặt nó trong tổng hòa của các lợi ích kinh tế - quốc phòng - an ninh - đối ngoại, thông qua mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét