Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là tìm ra những ưu điểm để phát huy, những khuyết điểm, nhược điểm để khắc phục, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ, không ngừng nâng cao chất lượng công tác, giúp cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ngày một tiến bộ, trưởng thành. “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh thêm. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng, ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ sự phê bình của người khác”. Tự phê bình và phê bình không phải chỉ để riêng bản thân một tổ chức hoặc cá nhân cán bộ, đảng viên tiến bộ, mà còn giúp cho các tổ chức khác, đồng chí khác học tập, rút kinh nghiệm để cùng tiến bộ. Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, đảng viên cũng là con người và Đảng cũng từ xã hội mà ra, do đó không nên thần thánh hoá Đảng và đảng viên: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”. Và cách tốt nhất để gột rửa, lọc bỏ những thói xấu đó theo Người, là phải thường xuyên tự phê bình và phê bình ráo riết.

Theo Hồ Chí Minh: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”; “Đảng viên và cán bộ cũng là con người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. Vì vậy phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để thông qua đó, mỗi người, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận ra khuyết điểm, “tính xấu” của mình và có biện pháp kiên quyết khắc phục nó. Người còn chỉ ra rằng, những “tính xấu” của mỗi cán bộ, đảng viên không những có hại cho bản thân họ, mà còn có hại đến Đảng, đến nhân dân. Bằng ví dụ hết sức mộc mạc, dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những tác hại của thái độ lẩn tránh trách nhiệm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình: “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mính cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét