Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

CẢNH GIÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NỀN GIÁO DỤC NƯỚC TA

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Dễ thấy rằng, bất kỳ một sự kiện chính trị nào diễn ra trên đất nước hay vấn đề nào đó xã hội quan tâm thì các thế lực thù địch sẽ dùng nhiều biện pháp để xuyên tạc nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, để có thể gây mất ổn định chính trị theo những mưu đồ của chúng.

Thực hiện mục tiêu đó, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào, một lĩnh vực cụ thể nào. Thời gian gần đây, lợi dụng kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV thảo luận về công tác giáo dục và đào tạo cũng như các tầng lớp nhân dân quan tâm đến việc dạy và học lịch sử ở bậc trung học phổ thông; những phần tử chống đối cách mạng Việt Nam đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc, tán phát nhiều bài viết trên các trang mạng phản động. Điển hình như: ngày 27 tháng 5 vừa qua, trên trang Ngoclinhvugia’s, đối tượng Đoàn Bảo Châu tán phát bài “Âm mưu của sự bóc lột”; ngày 29 tháng 5, đối tượng Lý Trực Dũng tán phát bài “Từ khi nào giới lãnh đạo giáo dục Việt Nam trở thành con buôn vô liêm sỉ”; ngày 31 tháng 5, trên trang facebook Chân Trời Mới Media, đối tượng Amy Truc Tran tán phát bài “Giáo dục Việt Nam bao giờ được như xưa?”,…nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng ta về công tác giáo dục, đào tạo; tung hô nền giáo dục của Việt Nam Cộng hoà, vu cáo Việt Nam “loạn cải cách giáo dục vì động cơ chính trị và lợi ích nhóm”, bôi nhọ, nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, kích động người dân xuống đường phản đối cải cách giáo dục và việc “tăng giá” sách giáo khoa.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một hệ thống giáo dục rộng lớn, để đạt mục tiêu phát triển toàn diện khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm nhất là trong thời đại mọi yếu tố đều phát triển rất nhanh, dưới tác động của nền kinh tế thị trường thì điều đó càng khó tránh khỏi. Cho nên một số lỗi, khuyết điểm của giáo viên và học sinh cũng như những sai sót trong công tác quản lý giáo dục không thể đổ lỗi cho cả hệ thống. Rõ ràng rằng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, kịp thời xin chủ trương để chỉnh cho phù hợp.

 Mặc dù vậy nhưng một số người tham gia mạng xã hội vẫn hoài nghi việc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà, có người chưa biết giáo dục nước ngoài như thế nào đã vội khen và chê ngay nền giáo dục trong nước. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự hoài nghi này để kích động, nói xấu dân tộc, nói xấu chế độ chính trị. Thực tế, vẫn còn một bộ phận du học sinh sang nước bạn học tập, có những người đạt giải cao trong các kỳ thi uy tín hàng đầu đất nước nhưng sau khi tốt nghiệp không trở về quê hương để lập nghiệp, để cống hiến. Có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng phải chăng vì lợi ích cá nhân mà họ phủ nhận tất cả, thậm chí họ cho rằng kiến thức được đào tạo trên nước sở tại sẽ không phù hợp để làm việc tại quê nhà; lâu dần họ chê luôn nơi mình sinh ra. Như vậy, quả thật là đáng trách.

Là người Việt Nam, chúng ta luôn ý thức rằng: nền giáo dục nước ta là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Đảng ta nhất quán: lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, giữ vai trò trung tâm, chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, nền giáo dục nước ta có nhiều đóng góp rất quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đang hết sức tận tâm, tận lực để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Việc đổi mới, xây dựng nền giáo dục nước ta phải vì mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để giáo dục và đào tạo luôn là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực để giáo dục Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc đổi mới giáo dục và đào tạo để phát triển đúng hướng là cần thiết, là cấp bách. Chính vì vậy hãy là người sáng suốt khi nhận định những vấn đề về giáo dục và đào tạo. Khi tham gia mạng xã hội mọi người phải hết sức cảnh giác trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, của những phần tử cơ hội chính trị. Đồng thời, mỗi người dân nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên,… hãy tích cực tham gia đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của những kẻ quay lưng lại với đất nước trong công cuộc đổi mới nền giáo dục, đào tạo của nước nhà./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét