Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

 

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp và sự tham gia tích cực của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng: Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có mặt thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Những tồn tại, hạn chế này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ tổ chức bộ máy các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương chưa được tập trung, thống nhất do chưa có một “nhạc trưởng” “tổng chỉ huy” để chỉ đạo phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trên thực tế thời gian qua, mặc dù chưa có chủ trương hay quy định về thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, song một số địa phương (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng…) đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp xảy ra trên địa bàn. Trước những bất cập trong chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nên nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã đề xuất, kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là yêu cầu khách quan, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các tỉnh ủy, thành ủy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo, chir đạo đồng bộ, tập trung, thống nhất và toàn diện từ Trung ương đến cơ sở, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Như vậy có thể nói, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hoàn toàn phù hợp, thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt của Đảng, đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nguyện vọng của các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét