Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ CÔNG TÁC GIÁO DỤC VIỆT NAM

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập rất nhiều nội dung quan trọng trong đó có nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Mục V Báo cáo chính trị của Đại hội đã khẳng định “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”

Giáo dục và đào tạo là vấn đề được Đảng ta đặc biệt coi trọng, điều này được khẳng định qua các kỳ Đại hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 2011, Đảng ta đã đưa ra quan điểm, định hướng lớn về phát triển giáo dục và đào tạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ một quốc gia nào, muốn phát triển phải bắt nguồn từ nâng cao dân trí và trực tiếp nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Sau hơn 35 năm đổi mới, 32 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 11 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, giáo dục và đào tạo của nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục, đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện cần sớm được khắc phục.

Những kết quả và hạn chế trong giáo dục và đào tạo thời gian qua đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo trong thời gian tới. Văn kiện Đại hội XIII của của Đảng đã nêu ra những điểm mới đối với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, cụ thể là: so với Đại hội XII, tại mục V về giáo dục, đào tạo, tên đề mục đã thay cụm từ “phát triển” bằng cụm từ “nâng cao” chất lượng nguồn nhân lực và thêm cụm từ “phát triển con người”. Điểm mới này trực tiếp đề cập đến giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, trước đây chỉ mới nhấn mạnh “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo”.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại các kỳ Đại hội trước chỉ đề cập phương hướng chung: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc, trong đó “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Những kết quả đạt được của sự nghiệp giáo dục, đào tạo thời gian qua và những quan điểm, chủ trương mới của Đảng trong thời gian tới đã và đang tạo niềm tin vững chắc đối với toàn xã hội, là tiền đề quan trọng để giáo dục và đào tạo của nước ta phát triển vững chắc hơn trong giai đoạn mới.

Chính vì vậy, không vì những hạn chế đơn thuần, những khuyết điểm trong thời gian qua của công tác giáo dục đào tạo của một số ban nganh, tỉnh thành mà quy chụp, phủ nhận nền giáo dục - đào tạo của Việt Nam, đó chỉ là nguyên cớ để các thế lực thù địch khoắt sâu điểm yếu, gây hoài nghi, tạo sự hoang mang, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng về công tác giáo dục - đào tạo, hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục - đào tạo phải kiên quyết đấu tranh và khắc phục triệt để; tuy nhiên những luận điệu vô căn cứ và phá hoại của các thế lực thù địch càng phải được lên án kịch liệt và có những biện pháp thích đáng để bảo vệ nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng ta về công tác giáo dục - đào tạo, giữ vững quốc sách hàng đầu của dân tộc ta./.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét