Phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội
đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) lần thứ
41, tại Paris (Pháp), vừa thông qua nghị quyết về các danh nhân văn hóa và sự
kiện lịch sử niên khóa 2022-2023, để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm
năm sinh/năm mất, trong đó có danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), nữ sĩ Hồ
Xuân Hương (1772-1822) cùng 58 hồ sơ của các quốc gia khác.
Trước đây, UNESCO từng thông qua
nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các danh nhân Việt
Nam, như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), 600 năm
Ngày sinh Nguyễn Trãi (năm 1980), 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (năm 2015), 650
năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (năm 2019).
Để được vinh danh, các hồ sơ đề
cử danh nhân văn hóa cần đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra, phải phù hợp với
lý tưởng và sứ mệnh của UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học,
thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu
biết lẫn nhau giữa các dân tộc; đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có
tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.
Ví như “Lục Vân Tiên” đã được
dịch ra nhiều thứ tiếng, với ít nhất 7 bản tiếng Pháp. Năm 1985, “Lục Vân Tiên”
được dịch sang tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke và đến năm
2016, được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Eric Rosencrantz.
Vậy là, bạn bè năm châu đã hiểu
hơn, ghi nhận giá trị trong thơ ca Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương. Đây không
chỉ là niềm vui của đồng bào Bến Tre, Nghệ An mà còn là niềm tự hào của cả
nước. Việc UNESCO thông qua nghị quyết tôn vinh các danh nhân Việt Nam mang lại
sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học
tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới, phù hợp với những mục tiêu
chung của UNESCO.
Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng
ta ngẫm về “văn dĩ tải đạo”-dùng văn chương để truyền tải đạo lý làm người. Đạo
làm người không phải là quan niệm mới nhưng ở Việt Nam thời trung đại, hiếm
ngòi bút nào ý thức và thể hiện một cách sâu sắc như cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu.
“Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”... tất cả đều toát lên sự chính
nghĩa, lòng yêu nước, soi sáng đạo lý làm người. Nguyễn Đình Chiểu đã sống, dạy
học, bốc thuốc cứu người và sáng tác vì quan niệm văn chương cao đẹp như thế.
“Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Nguyễn Đình Chiểu dùng văn thơ để nói lên
đạo lý, còn thơ ca đã tỏa sáng chí hướng của ông.
Việc UNESCO tôn vinh những giá
trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong thơ ca Nguyễn Đình Chiểu, Hồ
Xuân Hương, cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn,
bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị
tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hoà
chung dòng chảy văn hoá thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét