Nói văn hoá là nói tới toàn bộ những giá
trị sáng tạo về tinh thần và vật chất, thể hiện trình độ sống, dân trí, những
quan niệm về đạo lý nhân sinh, thẩm mỹ của một dân tộc và dấu ấn ở mỗi con
người. Văn hoá góp phần trực tiếp tạo nên bản sắc của dân tộc, tạo nên sự khác
biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhìn chung, các nền kinh tế, các công
trình về khoa học, kỹ thuật ít mang dấu ấn riêng bằng công trình văn hoá.
Theo A. Kroeber và Kluckhohn (Mỹ), có trên
200 định nghĩa về văn hoá. Federico Mayor - Tổng giám đốc UNESCOxem văn hoá
phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống con
người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng
bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị truyền thống thẩm mỹ
và lối sống, mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình.
Học giả Arnold
Toynbee, trong tác phẩm History - nghiên cứu về lịch sử văn hoá các dân tộc -
đã chọn 34 nền văn hoá gốc có bản sắc riêng, trong đó có văn hoá Việt Nam.
Những điều kiện về
lịch sử, vị trí và bản sắc dân tộc, đặc tính con người Việt Nam với
những phẩm chất và năng lực sáng tạo tinh thần đã sáng tạo nên nền văn hoá văn
nghệ phong phú và nhiều màu vẻ của Việt Nam. Giá trị của một nền văn hoá
dân tộc thường được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, có tính tiếp nối truyền thống như
những lớp phù sa được bồi từ dòng sông. ít có những ngẫu nhiên, đột biến trong
phát triển. Văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ những nền văn hoá cổ Đông
Sơn, Sa Huỳnh, óc Eo và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử. Nhiều triều đại
phong kiến trong công cuộc dựng nước và giữ nước đã biết khai thác và gắn bó
với nhân dân để dựng nên những nền móng kỷ cương của những nhà nước phong kiến
Việt Nam thịnh trị, phát triển về văn hoá - giáo dục. Trong Bình Ngô
đại cáo, Nguyễn Trãi, danh nhân văn hoá, đã khẳng định sự tồn tại bền vững của
một nền văn hiến của nước Đại Việt. Và khi nhìn vào những tên tuổi đáng kính
của các danh nhân, thi hào, thi bá, từ Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh
Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương đến Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,
Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh cũng đủ thấy nền
văn hoá dân tộc được bồi đắp qua các thời kỳ và có một dòng chảy trầm lắng và thăng
hoa của các giá trị tinh thần theo dòng lịch sử.
Khi Cách mạng
tháng Tám thành công, nhà nghiên cứu Hoài Thanh đã khẳng định: có một nền văn
hoá Việt Nam. Văn hoá thực sự đã góp phần vào công cuộc kháng chiến, kiến
quốc của dân tộc. Bên cạnh những nền văn hoá lớn trong khu vực như Trung Hoa,
ấn Độ, văn hoá Việt Nam vẫn tồn tại với bản sắc riêng và rất ưu trội trong
trách nhiệm phục vụ sự phát triển của đất nước và những nhiệm vụ được dân tộc
giao phó. Phương châm kháng chiến hoá văn hoá và văn hoá hoá kháng chiến thực
sự đã đưa văn hoávào trận và trở thành một bộ phận quan trọng của cuộc kháng
chiến như tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: văn hoá nghệ thuật cũng là một
mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
Nền văn hoá
Việt Nam là một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. ở một tiểu vùng
mà văn hoá của một vài nước lớn dễ chi phối, ảnh hưởng và có xu thế đồng hoá,
bộc lộ rõ qua các thời kỳ lịch sử nhưng văn hoá Việt Nam vẫn tồn tại bền vững
và có bản sắc. Chưa phải là đất nước giàu có, qua nhiều thế hệ đời sống còn
nhiều khó khăn, kỹ thuật sản xuất kém phát triển, song ở đất nước dường như
thuần nông của chúng ta đã tụ hội nhiều giá trị của nền văn minh lúa nước, văn
minh phương Đông. Văn hoá tinh thần với nhiều phẩm chất cao đẹp dễ bộc lộ trong
những giá trị văn nghệ dân gian: những thiên sử thi, truyện cổ, điệu hò sông
nước, làn điệu dân ca. Những đêm hội chèo, những màn trình diễn rối nước, những
ngôi chùa với những pho tượng đẹp, những bài thơ hay luôn sống trong tâm trí
nhiều thế hệ, tuy tất cả chưa phải bằng kỹ thuật cao. Trình độ kỹ thuật có tác
động lớn đến sự phát triển của văn hoá nhưng không phải là duy nhất và không
hẳn là yếu tố quyết định. Alvin Toffer (trong tác phẩm Làn sóng thứ ba và Sáng
tạo một nền văn minh mới) đã phê phán xu hướng kỹ trị (technocratie) thường xảy
ra ở một số nước công nghệ phát triển. Tuy nhiên cũng phải thấy văn hoá
Việt Nam còn yếu về văn hoá thành thị, văn hoá khoa học kỹ thuật.
Trong tư duy chưa mạnh về tư duy trừu tượng.
Bà Rosamaria
Durand, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã nhận xét: các di sản văn hoá thế giới
đã được UNESCO công nhận tại Việt Nam như Quần thể di tích Huế - công nhận năm
1993, Phố cổ Hội An - 1999 và Thánh địa Mỹ Sơn -1999 là sự minh chứng cho
truyền thống văn hoá và cũng là sự công nhận của thế giới đối với di sản văn
hoá giàu có của Việt Nam. Năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là
di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Chúng ta cũng đang tiếp tục khai thác
và chuẩn bị các tư liệu chọn lọc, luận cứ sắc sảo, thuyết phục để tiếp tục giới
thiệu với thế giới các di sản khác như di sản văn hoá Hoàng thành Thăng Long,
thành Cổ Loa; di sản văn hoá phi vật thể Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam
Bộ, Múa rối nước, Nghệ thuật cồng chiêng, Hát ca trù. Bên cạnh đó, chúng ta
cũng rất tự hào về những danh nhân văn hoá đã được thế giới công nhận và tôn
vinh như:Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh.
Có thể dễ dàng
nhận thấy, chúng ta có một nền văn nghệ giàu giá trị nhân bản. Bên cạnh nguồn
mạch lớn gồm các tác phẩm giàu tinh thần yêu nước là nguồn mạch văn chương giàu
giá trị nhân bản. Tinh thần nhất quán là trân trọng con người và thiết tha với
trách nhiệm giải phóng con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét