Đã 77 mùa xuân trôi qua, kể từ buổi chiều
ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), 34 cán bộ và đội viên có
mặt trong lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân giơ cao nắm
tay thề dưới lá cờ đỏ sao vàng, nguyện vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh
chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Quân đội ta phát triển tiếp thành nhiều sư
đoàn, quân đoàn, binh chủng… Song với nhân dân dẫu ngàn vạn các anh với quân
hàm, quân hiệu, quân phục khác nhau cũng chỉ là một, đó là Anh Bộ đội!
Nói về bộ đội và vẻ đẹp của anh là nói về nhân dân trong
mối quan hệ tương ngộ không phải quân đội nào, dân tộc nào cũng có được. Vì
Quân đội ta là Quân đội nhân dân, Quân đội của Dân, do Dân, vì Dân. Quân đội ta
tận trung với Đảng, lại tận hiếu với Dân. Đó là truyền thống cực kỳ quý báu,
đồng thời, là niềm tự hào, là vinh dự, là tâm nguyện sâu sắc của mọi cán bộ,
chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2021, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát. Từ
tháng 4/2021, TPHCM là tâm dịch với con số mắc mỗi ngày hàng ngàn người… Tính
chất ác liệt, tàn khốc chẳng khác gì một cuộc chiến tranh bằng súng đạn! Trên
100.000 bộ đội và dân quân đã lao vào trận đánh lớn chống dịch, cứu dân với
nhiều nhiệm vụ cụ thể khác nhau như tham gia túc trực ở các điểm cách ly, truy
vết, kiểm soát dịch tễ, vận chuyển và phân phối thuốc chữa bệnh, lương thực
thực phẩm đến tận tay người dân. Có đơn vị nhường doanh trại để thành lập bệnh
viện dã chiến. Bác sĩ, điều dưỡng quân y là thầy thuốc, đồng thời là nhân viên
phục vụ, làm việc không kể ngày đêm. Giới báo chí tôn vinh họ là “thầy thuốc
như mẹ hiền”, là “thiên thần áo trắng”, là “những người quên ăn, thiếu ngủ”, là
“những người anh hùng trên mặt trận không tiếng súng”… Thực tế, có đồng chí đã
bị lây nhiễm, sau khi điều trị hết bệnh lại tiếp tục phục vụ nhân dân; có đồng
chí bị mắc Covid-19 nhưng không thể qua khỏi, họ hy sinh một cách thầm lặng, vẻ
vang và cao quý!
Có một tên gọi rất đúng, rất đẹp dành cho người chiến sĩ
Quân đội nhân dân Việt Nam là “Bộ đội Cụ Hồ”. Kể cả khi đã trở về đời thường,
họ vẫn “Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ” như tên của một cuốn phim tài liệu do Hội Cựu
chiến binh TPHCM tổ chức thực hiện. Phải chăng cái tên rất đúng, rất đẹp đó xuất
hiện do Bác Hồ là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, trực
tiếp giáo dục và lãnh đạo các lực lượng đó theo hình mẫu của một quân đội kiểu
mới, mang bản chất của giai cấp công nhân, đã và đang sẵn sàng hoàn thành mọi
nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét