Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ
thông tin, theo đó là sự gia tăng “chóng mặt” các trang mạng xã hội làm cho
“môi trường mạng” hỗn độn; những thông tin nhảm nhí, vô bổ, ngồn ngộn những
hình ảnh xấu xí, phản cảm, các trào lưu, lối sống, văn hóa lệch chuẩn…được phát
tán, cổ súy trên mạng xã hội. Nhưng trái với thái độ cần phải lên án thì một bộ
phận không nhỏ giới trẻ lại hùa theo, a dua với những trào lưu phản cảm này.
Bất cứ ai sử dụng facebook, mỗi khi vào mạng đều
phát ngán trước sự tràn lan những trang tin, hình ảnh, video… đa số vô bổ, nhảm
nhí, thậm chí rất phản cảm. Những năm trước, người ta thường nói: “Ăn - bóng
đá, ngủ - bóng đá”, còn bây giờ: “ăn - facebook, “ngủ - mạng xã hội”. Tất tần tật
từ việc cơ quan, gia đình, chuyện làm ăn, kinh doanh, buôn bán... đến vui, buồn,
sướng, khổ đều quẵng lên mạng.
Không phủ nhận mặt tích cực của Internent, mạng xã
hội trong cuộc sống hiện đại, nhất là việc sử dụng Internet để tra cứu thông
tin, tìm kiếm tư liệu phục vụ công tác, học tập, lao động, giải trí…Tuy nhiên,
những hình ảnh, trào lưu phản cảm, trào lưu xấu độc như: “khoe đồ, khoe thân”,
“giang hồ mạng” hay phát ngôn gây sốc…để nhận được nhiều “like” là những biểu
hiện rõ nét cho trào lưu sống “ảo” của một bộ phận giới trẻ.
Hàng loạt trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,
Instagram, Tiktok, Youtube, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin,
Wechat,WhatSapp, Snapch… đã và đang chi phối mạnh mẽ đời sống, tình cảm; tác động
hàng ngày, hàng giờ đến đạo đức, lối sống, phong cách thẩm mỹ của giới trẻ.
Đáng ngại là ngày càng xuất hiện các trào lưu thiếu văn hóa, lệch chuẩn… lại được
giới trẻ cổ súy, coi là “thần tượng”, là “mốt, là “hot”…Gần đây, xuất hiện trào
lưu văng tục, chửi thề, chửi bậy trên mạng xã hội cốt để giật gân câu like, câu
view. Mâu thuẫn trong làm ăn, tranh giành chuyện tình ái, đố kỵ, ganh tỵ, thù
ghét… đều mang lên mạng chửi nhau như… hát! Đau lòng nhất là trường hợp một cô
gái trẻ, mặt trát đầy phấn đã chửi bậc sinh thành, dưỡng dục mình bằng những lời
lẽ hết sức vô liêm sỉ và chẳng ngại đăng lên mạng cho thiên hạ biết. Hành vi bất
hiếu, xúc phạm đạo lý truyền thống tốt đẹp gia đình Việt Nam, chà đạp thuần
phong mỹ tục khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, đau xót.
Tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay,
nhất là trong thời đại cách mạng số. Thời gian tới, để cho “mạng xã hội” trở
nên lành mạnh, là nơi truyền bá những giá trị văn hóa – văn minh của đời sống
xã hội, thiết nghĩ nhiệm
vụ quan trọng đặt ra hiện nay đối với các tổ chức đoàn thể, cơ quan, trường học,
gia đình và toàn xã hội là cần tập trung tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp
Nhân dân, nhất là giới trẻ ý thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, các
văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng khi tham gia Internet, mạng xã hội;
không lợi dụng mạng xã hội để làm những việc trái pháp luật, ảnh hưởng đến thuần
phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Định hướng cho giới
trẻ nên sử dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội phục vụ học tập, công
tác, giải trí lành mạnh; đồng thời, nhận biết mặt trái, mặt tiêu cực và các hệ
lụy của mạng xã hội để tránh, không vi phạm.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với
nhà trường, gia đình và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường kiểm soát,
ngăn chặn, đấu tranh và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng Internet, mạng xã hội
để hoạt động trái pháp luật, làm lành mạnh “môi trường mạng”, giúp giới trẻ
tránh xa những “cạm bẫy” trên mạng xã hội.
Đồng thời, chỉ rõ những
thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến
thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích,
chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn
môi trường xã hội. Mỗi người tham gia mạng xã hội phải có kiến thức an ninh mạng
cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội
hay đăng tải những thông tin xấu độc. Đối
với những bài viết, video có nội dung xấu, độc được phát tán trên mạng xã hội,
mỗi cá nhân cần lên tiếng phản bác hoặc hạn chế sự lan truyền của chúng bằng
cách lựa chọn ẩn bài viết, báo Spam để quản trị mạng xử lý.
Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội gây tác động
tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân
dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân
cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Do vậy, cần nhận diện thông tin
xấu, độc trên mạng xã hội, vạch trần những thủ đoạn của những đối tượng đưa
thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đề xuất các biện pháp chủ động phòng chống,
góp phần vào cuộc đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ”,
“tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt
Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét