Những năm qua, vấn đề người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên vẫn
được các thế lực thù địch tích cực sử dụng để chống phá đất nước. Cùng với việc
công kích, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, các đối tượng xấu cũng ra sức cổ
suý, kích động người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên vượt biên ra nước ngoài
trái pháp luật.
Tại Tây Nguyên, trong những năm qua, các thế
lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị vẫn liên tiếp tiến hành
các hoạt động chống phá về vấn đề dân tộc. Một mặt, những kẻ này vu khống rằng
chính quyền đối xử bất bình đẳng với người Thượng tại Tây Nguyên, “đàn áp” đồng
bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Mặt khác, chúng ra sức kích động các hoạt
động chống đối với chính quyền, kêu gọi thành lập “nhà nước Đề ga độc lập”.
Cùng với đó, những kẻ này vu khống Đảng, Nhà nước “đàn áp tự do tôn giáo tại
Tây Nguyên”, đẩy mạnh việc lan truyền các “đạo lạ”, “tà đạo” vào khu vực Tây
Nguyên để ràng buộc đồng bào.
Cần khẳng định rõ, cũng như đồng bào các dân tộc
thiểu số trên khắp cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên luôn được
Nhà nước tôn trọng và tạo mọi điều kiện để phát triển. Chính sách nhất quán của
Việt Nam là bảo đảm sự phát triển bình đẳng giữa tất cả các dân tộc. Đối với
đồng bào các dân tộc thiểu số, do có những khó khăn đặc thù nên Đảng, Nhà nước
đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên, hỗ
trợ để thúc đẩy sự phát triển. Thời gian qua, dưới sự đầu tư đồng bộ của nhà
nước, đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại khu vực Tây Nguyên đã có nhiều
khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Riêng đối với lĩnh vực tôn giáo, chính sách
xuyên suốt của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân
dân. Người dân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Luận điệu cho rằng Việt
Nam “đàn áp tôn giáo người Tây Nguyên” là một sự xuyên tạc trắng trợn.
Thực tế là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy
đời sống tôn giáo của đồng bào Tây Nguyên luôn được tôn trọng, bảo đảm. Tây
Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều loại hình tôn giáo, gồm: Công giáo, Phật
giáo, đạo Tin Lành và đạo Cao Đài. Số tín đồ tôn giáo tại Tây Nguyên hiện nay
vào khoảng 2.301.884 người, chiếm 34,7% dân số. Đồng thời, trên địa bàn cũng có
khoảng 840 cơ sở thờ tự. Trong đó, Tin Lành là tôn giáo có tỷ lệ tín đồ là đồng
bào dân tộc thiểu số cao nhất trong các tôn giáo ở Tây Nguyên (khoảng 511.450
tín đồ). Một vài nét phác hoạ trên cho thấy đời sống tôn giáo tại khu vực Tây
Nguyên hết sức đa dạng, sôi nổi và tự do.
Nói thẳng, cái mà các đối tượng cho rằng “chính
quyền đàn áp tự do tôn giáo ở Tây Nguyên” thực chất là việc các cơ quan chức
năng đấu tranh làm tan ra các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá đất
nước. Một trong những tổ chức phản động nổi tiếng núp dưới bóng tôn giáo ở Tây
Nguyên là tổ chức “Tin lành đấng Christ” (là sản phẩm trong nội địa của “Hội
thánh Tin lành đấng Christ” ở Mỹ – tổ chức phản động FULRO núp bóng đạo Tin
lành). Lợi dụng giáo lý, giáo luật, niềm tin của người dân, các đối tượng đã
lừa dối, mị hoặc người dân vào các hoạt động sai trái.
Liên quan đến đối tượng Y Wô Niê – kẻ mà những
“nhà dân chủ” đang kêu gọi thả tự do – đây là một đối tượng có hành vi vi phạm
pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Y Wô Niê sinh năm 1970, thường trú tại buôn Pưk
Prông, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. Tháng 9/2021, đối tượng này bị khởi tố để
điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà
nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tại cơ quan điều tra, Y Wô
Niê cũng đã thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình. Vì vậy, không có lý do
gì để cơ quan chức năng phải “thả tự do vô điều kiện” cho Y Wô Niê.
Các đối tượng xấu ra sức lợi dụng vấn đề dân
tộc thiểu số tại Tây Nguyên để công kích phá hoại. Cần phải kiên quyết vạch
trần thủ đoạn chống phá của các đối tượng xấu, đẩy mạnh việc nắm tình hình khu
vực đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu
biết để bà con đồng bào không bị hướng lái, kích động tiêu cực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét