Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

HIỆU QUẢ CỦA VIỆC THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM, CHIẾN LƯỢC CHO VIỆC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

 

Dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới thay đổi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống bình thường và làm thay đổi rất nhiều về quan điểm sống của mọi người. Nghiêm trọng hơn, khi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, nhiều đợt dịch tưởng chừng đã được kiểm soát và khống chế lại bùng phát dữ dội khắp nơi với tốc độ và quy mô ngày càng lớn hơn, để lại nhiều hệ lụy và hậu quả vô cùng to lớn. Chúng ta không thể cứ tiếp tục sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, không thể cách ly kéo dài, không thể phong tỏa mãi được vì nền kinh tế không thể phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống dịch ngày càng cạn kiệt, mọi hoạt động xã hội vẫn cứ đóng băng... Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, thay đổi quan điểm, chiến lược cho việc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, phải thích ứng với dịch Covid-19.

Ngày 11/10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngày 12/10/2021 Bộ Y tế ra Quyết định 4800/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP. Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kinh tế dần phục hồi, có những khởi sắc, được đông đảo quần chúng nhân dân tin tưởng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước; tính chung 11 tháng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi ban hành hướng dẫn và triển khai thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 42,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% so với tháng trước, vốn đăng ký tăng 38%, lao động tăng 30,2%, đặc biệt là tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 11 tháng tăng 11% so với cùng kỳ, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Từ đó, cho thấy Đảng, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, có nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện... chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Vậy nhưng, hiện nay trên không gian mạng, các thế lực thù địch, đứng đầu là tổ chức khủng bố Việt Tân liên tục viết bài, dàn dựng video clip xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam; phủ nhận những thành quả kiểm soát dịch của nước ta; vu cáo Đảng chỉ đạo lực lượng vũ trang “đàn áp người dân”, xuyên tạc cho rằng Đảng ta “đang hooang mang”, Chính phủ “không phát huy được vai trò”, … Đây là những mưu đồ đen tối cần phải được nhận diện để lật tẩy rõ bộ mặt thật của chúng.

Do vậy, chúng ta cần nhận diện và lật tẩy rõ bộ mặt thật của những mưu đồ đen tối đó; đấu tranh bác bỏ các quan điểm xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ; mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều làm hết trách nhiệm của mình, vì sức khỏe, tính mạng của người dân, vì cộng đồng, quốc gia, dân tộc, tin rằng nhất định chúng ta sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái "bình thường mới"./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét