Kinh tế-xã hội đất nước đang gặp khó
khăn nhất định do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đó là một thực tế.
Nhưng, chúng ta không thể chấp nhận một số người lợi dụng sự khó khăn do dịch
bệnh mà bôi đen bức tranh kinh tế-xã hội, từ đó nói xấu Đảng, Nhà nước và chế
độ ta.
Một số đối tượng bất mãn, đối tượng thù địch vốn luôn hằn học với sự
phát triển của đất nước lại thấy vui sướng trước những khó khăn của đất nước. Họ
rêu rao trên mạng xã hội, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng “kinh tế Việt
Nam đã đi vào ngõ cụt”, “Việt Nam “toang” rồi”...Họ không hề nhắc đến nguyên nhân
dẫn đến GDP giảm mà Tổng cục Thống kê đưa ra là “do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm
trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải
thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh”. Để rồi, họ lại “phân
tích nguyên nhân sâu xa” dẫn đến kinh tế Việt Nam giảm sút là “do một đảng lãnh
đạo”, do “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Họ không biết hoặc cố tình không biết rằng, không chỉ Việt Nam mà tất
cả các nước, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng kinh tế.
Nếu không có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì Việt Nam không thể có cơ đồ và
vị thế như hiện nay. Nếu không vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa thì chúng ta không thể phòng, chống dịch hiệu quả như thời gian qua.
Rất nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận thành công này của Việt Nam.
Thực ra thủ đoạn bôi đen bức tranh kinh tế-xã hội Việt Nam của các
thế lực thù địch không có gì mới. Nhiều năm trở lại đây, mỗi khi đất nước ta đạt
được những thành tựu phát triển, họ lại càng hằn học, tìm mọi cách để chống phá.
Thế nhưng lần này, họ lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, đời sống của một bộ
phận nhân dân khó khăn do phải cách ly, giãn cách xã hội, không có việc làm để xuyên
tạc những nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển
kinh tế của chúng ta thì đó là một tội ác lớn. Xét về phía cạnh pháp lý là không
đúng với luật pháp quốc tế. Xét về góc độ đạo lý lại càng sai. Về chiến thuật, các
thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị vẫn triệt để lợi dụng
internet, mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá;
tán dương, cổ vũ lẫn nhau trong một “thế trận” có “kịch bản”, đánh vào nhận thức,
tâm lý “đám đông” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”. Thế nhưng gần
đây, thủ đoạn của họ lại nham hiểm hơn, tận dụng tối đa hệ thống báo chí, mạng xã
hội ở nước ngoài, các kênh Facebook, YouTube... để tung thông tin xấu, độc dưới
dạng “thật như giả”, “giả như thật”. Mánh lới của họ là giật tít, “câu view” nhằm
đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người. Chính vì vậy, mọi người phải hết sức cảnh
giác trước các thông tin xấu độc này. Cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu,
độc, xuyên tạc, các cơ quan chức năng của Nhà nước, cán bộ và nhân dân cần kết hợp
đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên
các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; hoàn thiện các quy định pháp lý
về quản lý hoạt động trên không gian mạng, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe và xử
lý các trường hợp vi phạm. Trước mắt, cần công khai, minh bạch các hoạt động kinh
tế-xã hội của các ngành, các địa phương, nhất là hoạt động phòng, chống dịch, các
hoạt động hỗ trợ nhân dân, an sinh xã hội để các thế lực thù địch không còn “cái
cớ” để xuyên tạc, bôi đen sự thật. Điều đáng
phấn khởi là trong những ngày gần đây, số người nhiễm dịch Covid-19 ở nước ta ngày
càng giảm, nền kinh tế từng bước được khôi phục, đời sống của nhân dân được cải
thiện, tốt dần lên.
Quan điểm chỉ đạo điều hành đất nước trong thời gian tới của Chính
phủ đã được Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội là: Đặt sức khỏe, tính mạng của
người dân lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm
soát hiệu quả dịch Covid-19. Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài;
tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là đặc biệt quan trọng; đề cao ý thức,
trách nhiệm, tính tự chủ của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch. Vừa
phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững
ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao
động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Đó cũng là quan điểm nhất quán
của Đảng, Nhà nước ta và là câu trả lời đanh thép trước các thế lực thù địch rằng:
Không thể bôi đen bức tranh kinh tế-xã hội của Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét