Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

THỰC HƯ VỤ VIỆC TRUNG QUỐC ÉP BUỘC H&M ĐĂNG BẢN ĐỒ CÓ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ

 

Theo thông tin từ phía Trung Quốc, sau khi phát hiện 'bản đồ Trung Quốc có vấn đề' trên trang web của H&M, họ đã yêu cầu công ty Thụy Điển này chỉnh sửa ngay. Tuy nhiên, có liên quan tới 'đường lưỡi bò' hay không thì chưa rõ.

Hôm 2-4, truyền thông và nhiều tài khoản mạng xã hội Trung Quốc đồng loạt lan truyền thông tin: Trên trang web hãng H&M (nhà bán lẻ quần áo thời trang, phụ kiện của Thụy Điển) xuất hiện một "bản đồ có vấn đề" và Trung Quốc đã yêu cầu chỉnh sửa. Còn tại Việt Nam, trên mạng xã hội xuất hiện cả thông tin H&M "đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc".

Như vậy có thể thấy thông tin về việc yêu cầu chỉnh sửa bản đồ chỉ mới từ phía Trung Quốc đưa ra. Theo hãng tin Reuters và báo Wall Street Journal, H&M vẫn chưa bình luận.

Vẫn không rõ Trung Quốc yêu cầu H&M sửa gì, phải chăng là thêm "đường lưỡi bò" (đường 9 đoạn) phi pháp, hay tô đúng màu đảo Đài Loan, hay thêm các khu vực tranh chấp như ở phần biên giới với Ấn Độ và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư? Hiện không có thông tin về điều này.

Và liệu H&M đã đăng bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc? Tính đến 11h30 sáng 3-4-2021, trên trang web của H&M không có bản đồ chỉnh sửa cho thấy đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc như dân mạng nói. Nhiều hình ảnh được người dùng mạng đăng tải chỉ là các ảnh cũ trước đây cho thấy đường lưỡi bò phi pháp được Trung Quốc tuyên truyền.

Cái gọi là "bản đồ có vấn đề" về lãnh thổ Trung Quốc mà Bắc Kinh tự đưa ra là những bản đồ: Thiếu quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (đang tranh chấp với Nhật Bản), có phần đảo Đài Loan tô màu khác, mất đường lưỡi bò (phi pháp) trên Biển Đông, và thiếu một số phần lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.

Bắc Kinh vẫn theo đuổi yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) do nước này tự vẽ ra và tìm cách tuyên truyền với nhiều hình thức thời gian qua, bất chấp phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

Yêu sách này đã bị nhiều nước bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý và vô lý khi chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông và chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét