Ngoại giao vaccine “vất vả”, thành quả “ngọt ngào”
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các
đồng chí lãnh đạo cấp cao, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu
liều vaccine, đảm bảo cơ bản nhu cầu tiêm chủng trong nước hiện nay. Ngoại giao
vaccine không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận nguồn và nhập khẩu vaccine mà còn mở
ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin. Việt Nam đã hợp tác thành
công với Nga trong việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Sputnik V. Đây
là tiền đề quan trọng để có thể đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước và tiến tới
xuất khẩu vaccine ra thế giới.
Nhờ thế, Việt Nam đang nằm trong số các nước có tỷ lệ
tiêm chủng cao và giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ
sở vững chắc để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát
hiệu quả dịch bệnh Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng Bộ
Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới
có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á
(sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc
độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần”.
Chiến lược ngoại giao vaccine trong tình hình mới
Thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó
lường, với sự xuất hiện của một số biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh
hơn. Dự báo nhu cầu vaccine trên thế giới sẽ rất lớn khi các nước đều chủ
trương bao phủ vaccine và tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại trong 6 tháng. Do
đó, công tác ngoại giao vaccine cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới
nhằm đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, thích ứng an toàn với dịch bệnh,
góp phần phục hồi kinh tế – xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần nắm sát
tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine của các nước trên thế giới, đặc biệt là
các nước tiên tiến trong việc đối phó với các biến chủng mới để kịp thời triển
khai chiến lược ngoại giao vaccine, vận động các đối tác sớm chuyển giao các lô
vaccine này cho Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan tăng cường đôn đốc, thúc đẩy
triển khai cam kết mà chúng ta đã ký với các đối tác để cung cấp kịp thời
vaccine cho người dân. Nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine dành cho trẻ em,
để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em, từng bước đưa học sinh đến
trường một cách an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa vaccine, trong đó huy động các
kiều bào, mạnh thường quân cả trong nước và ở nước ngoài trong việc tiếp cận
nguồn vaccine và tài trợ kinh phí mua vaccine.
Ngoài ra thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác
chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine với nhiều đối tác khác nhau để phục
vụ cho việc sản xuất lâu dài, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng ta
cần hết sức coi trọng tự chủ sản xuất vaccine trong nước thông qua hợp tác quốc
tế, chuyển giao công nghệ. Cùng với những nỗ lực nghiên cứu trong nước là vấn
đề sống còn đối với việc thích ứng an toàn, lâu dài đối với dịch bệnh. Đây cũng
là một hướng xuất khẩu rất có tiềm năng trong bối cảnh nhu cầu vaccine trên thế
giới vẫn còn rất lớn và lâu dài.