Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

VIỆT NAM CÓ CẦN “LIÊN MINH QUÂN SỰ” HAY KHÔNG?

 

          Lợi dụng việc Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”, đối với Ukraine; mới đây, một số phần tử đã đăng bài kêu gọi Việt Nam tham gia “Liên minh quân sự” để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Họ cho rằng “Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc” và chính sách “không liên minh quân sự” chẳng những không giữ được đất nước trước xâm lược, mà cũng không giữ nổi chế độ, nó còn làm Đảng ta “mất cả chì lẫn chài”…

          Những lý lẽ trên là hoàn toàn sai trái và không phù hợp với đường lối, quan điểm và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta đó chính là “Không liên minh quân sự”. Bởi vì, chủ quyền quốc gia - dân tộc là thiêng liêng và tối cao không thể phó thác cho bên ngoài, dù đó là ai. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, các quốc gia đều đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là những lợi ích cốt lõi như: độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội,… trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, thì việc các nước giúp nhau bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc không hề đơn giản. Những liên minh “thần thánh” đều là giả tưởng trong đầu óc của những nhà huyễn tưởng, không có chỗ đứng trong thực tiễn chính trị - quân sự sống động, phức tạp và thực dụng hiện nay.

          Muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc thì phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, không thể ảo tưởng trông chờ vào liên minh. Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, không phải cứ liên minh với một cường quốc quân sự là có thể bảo vệ được chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc của các nước trong liên minh, nhất là đối với các nước nhỏ. Cũng như hầu hết các quốc gia, các cường quốc đều đề cao lợi ích quốc gia - dân tộc của họ và vì lợi ích “đại cục” mà họ theo đuổi, họ sẽ xử lý quan hệ với các đồng minh theo tiêu chí và triết lý ưu tiên lợi ích “trước hết”, “trên hết”, “cốt lõi” của họ. Trong nhiều trường hợp như vậy, không ít đồng minh của các cường quốc đã phải “lãnh đủ” hậu quả: từ sự “lạnh nhạt”, “ngó lơ”, “làm ngơ” đến “bỏ rơi”, thậm chí “phản bội” đồng minh để bắt tay với kẻ thù của cường quốc đồng minh.

          Thực tiễn đã minh chứng, Việt Nam chưa bao giờ liên minh quân sự hay lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và các nước bè bạn, nhưng Việt Nam không tham gia khối liên minh quân sự nào và cũng không lệ thuộc vào nước nào. Hiện nay, Việt Nam vẫn kiên định với quan điểm “không liên minh quân sự”, “không liên kết với nước này để chống nước khác”, “không lệ thuộc hay đứng về một phía nào”; đây là quan điểm đúng đắn, giúp chúng ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức là không bị “người khác trói mình”. Cùng với đó, đứng trên bình diện quan hệ quốc tế, Việt Nam chính thức là nước thành viên của “Phong trào Không liên kết” (NAM) từ năm 1976. Đây là tổ chức của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp vào duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi người dân. Đến nay, phong trào có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, và trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc. Việt Nam là một trong những nước tuân thủ và thực hiện triệt để nhất các nội dung, mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của tổ chức này.

          Từ những vấn đề trên cho thấy quan điểm đòi Việt Nam phải liên minh quân sự với các nước lớn để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay của các thế lực thù địch, phản động thực chất là nhằm kích động dư luận, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và đường lối, chính sách quốc phòng, đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, chúng ta cần nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không để mắc mưu các thế lực thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét