Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Cảnh giác luận điệu đòi “đa chủ sở hữu”

 

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 04/5/2022 đến ngày 10/5/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ năm để thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch đã liên tiếp tán phát các bài viết xuyên tạc, kích động chống phá  chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đất đai.

Cụ thể: Ngày 06-5-2022, trên trang blog Đài Châu Á Tự Do (RFA), đối tượng Thanh Trúc tán phát bài “Kêu gọi cải cách Luật Đất đai tại Hội nghị Trung ương 5 có thành sự thật”; ngày 07-5-2022 trên trang blog Bauxite Việt Nam tán phát bài “Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi đất đai”; ngày 10-5-2022, trên trang facebook Chân Trời Mới Media, đối tượng Trần Đông A tán phát bài “Trung ương 5: Tấp rác xuống dưới thảm”…. Nội dung bôi nhọ, nói xấu công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về việc quản lý, sử dụng đất đai, cho rằng “chủ trương trái với đạo trời, lòng dân, phản tiến bộ; là một hình thức tước đoạt, gây ra thảm họa cho dân, tạo điều kiện cho tham nhũng”; chúng cho rằng “việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý” từ đó kêu gọi sửa đổi Luật Đất đai theo hình thức sở hữu tư nhân hoặc “đa chủ sở hữu”; kêu gọi các “tổ chức xã hội dân sự” tiếp tục “ra tuyên bố”; đồng thời kích động người dân xuống đấu tranh đòi đất, cách thức giống vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm và Dương Nội.

Đất đai là một loại tài sản đặc biệt, là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu. V.I.Lênin cho rằng: “Ruộng đất phải là sở hữu của toàn dân, và một chính quyền có tính chất toàn quốc phải quy định điều đó” (VI.Lênin (1981), Toàn tập, tập 32, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.220). Vận dụng sáng tạo, đúng đắn các quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về vấn đề đất đai vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Điều này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 53 quy định rõ: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.  Điều 4 Luật Đất đai cũng quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Nếu chúng ta thực hiện hình thức sở hữu tư nhân hoặc đa dạng hóa sở hữu về đất đai sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì việc thực hiện sở hữu tư nhân sẽ dẫn đến những người giàu tiến hành quá trình tích tụ, tập trung đất đai vào tay của mình (người giàu chỉ chiếm số ít của xã hội), điều đó sẽ đi ngược lại với lợi ích mà chế độ ta đang xây dựng – chế độ do nhân dân làm chủ.

Mặc khác, nếu thực hiện hình thức sở hữu tư nhân hoặc đa dạng hóa sở hữu, về cơ bản sẽ giống như các nước tư bản, khi đó đất đai sẽ nằm trong tay các chủ sở hữu khác nhau, họ chỉ quan tâm đến lợi ích của cá nhân, mọi thứ đều tiến hành theo quy luật giá cả thị trường, không quan tâm đến môi trường, đến sự phát triển bền vững của đất nước, đến an sinh xã hội… Ngược lại, khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý và tiến hành thu ngân sách thông qua việc thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, các loại thuế liên quan đến đất đai và các loại phí, lệ phí quản lý và sử dụng đất,…. Nguồn ngân sách đó sẽ được Nhà nước tiến hành đầu tư phát triển các ngành kinh tế; phân bổ vốn cho các vùng, các địa phương; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững, hạn chế khoảng cách giữa các vùng, miền, sự phân hóa giàu nghèo…

Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 5 lần này đã đi sâu phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay, trong đó có những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo,... Đây cũng chính là những nguyên nhân gây ra khiếu kiện kéo dài, có nơi trở thành “điểm nóng” gây mất ổn định chính trị của đất nước. Từ đó, Trung ương đã đề ra các giải pháp, chủ trương, định hướng để tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế trên.

Cần khẳng định rằng, chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, được thể hiện rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng một số sai phạm, yếu kém trong quản lý đất đai ở một số địa phương để xuyên tạc bóp méo sự thật, đánh đồng hiện tượng với bản chất để nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Do đó, mọi người dân cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kiến quyết đấu tranh bác bỏ mọi thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật về những vấn đề này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét