Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

CON NGƯỜI-NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU CỦA QUÂN ĐỘI

 

Tiềm lực chính trị tinh thần là cụm từ có nội hàm rộng, bao gồm các quan điểm, đường lối, chính sách phát triển quốc gia, ý chí, quyết tâm và trạng thái tâm lý của con người…Nhưng xét cho cùng, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần chính là xây dựng con người, tổ chức vững mạnh về tư tưởng, chính trị. Đối với Quân đội, tiềm lực chính trị tinh thần chính là độ vững chắc về chính trị, tư tưởng của bộ đội, sẵn sàng huy động được để chiến đấu thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Độ vững chắc ấy về chính trị, tinh thần không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của cả một quá trình giáo dục, huấn luyện bộ đội gắn kết lịch sử với hiện tại. Trong bối cảnh hiện nay, trạng thái tâm lý, tinh thần của bộ đội ít nhiều bị ảnh hưởng do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến. Đó chính là việc các quốc gia chạy đua sản xuất, mua sắm các loại vũ khí thế hệ mới, tiến hành thử nghiệm, quảng bá, phô trương sức mạnh của khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại. Gần đây, trong một số cuộc chiến tranh, quân đội các nước đã đưa người máy tham gia chiến đấu như một chiến binh thực thụ. Điều đó, càng làm gia tăng tính hoài nghi về một cuộc chiến tranh tự động hóa mà quốc gia nào có vũ khí càng tối tân hiện đại thì sẽ giành chiến thắng. Điều ấy, như những cơn mưa dầm, thấm sâu vào tiềm thức của con người khi lầm tưởng cho rằng: Thắng thua trong chiến tranh sẽ được định đoạt bởi số lượng, trình độ và tốc độ phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Cả về lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự chỉ là công cụ để tiến hành chiến tranh, nó chỉ là một bộ phận để cấu thành sức mạnh chiến đấu của Quân đội chứ không phải là nhân tố quyết định chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Lênin đã từng chỉ ra rằng: Suy cho cùng thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh đều phụ thuộc vào trạng thái, tâm lý và tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Thực tế đã minh chứng rõ nét cho điều đó. Vũ khí dù có tối tân, hiện đại đến mấy cũng do con người tạo ra và điều khiển nhằm thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của con người sử dụng nó.

Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, trong các cuộc chiến tranh chống đế quốc, thực dân bảo vệ Tổ quốc, Quân và dân ta phải đương đầu với những đội quân xâm lược nhà nghề, với ưu thế vượt trội cả về tiềm lực kinh tế và vũ khí, trang bị, nhưng chúng ta đều đã biết kết thúc chiến trang bằng chiến thắng.

Minh chứng trên cho thấy, dù thời đại có thay đổi, dù tính chất của cuộc chiến tranh có phức tạp đến thế nào, nhưng vũ khí, trang bị không thể là nhân tố quyết định sự thành bại trong các cuộc chiến tranh. Người máy có thể là một chiến binh có ưu thế vượt trội hơn con người trên một vài lĩnh vực nhưng thiếu hẳn bản lĩnh, ý chí và mục tiêu chiến đấu chỉ có ở con người. Các loại vũ khí công nghệ cao, các hệ thống máy móc tự động có thể hỗ trợ binh sĩ trên chiến trường nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người. Bởi con người điều khiển, sử dụng vũ khí, trang bị không chỉ bằng khối óc mà còn bằng cả con tim với mục tiêu cao cả, rõ ràng.

Trước những tác động đang lan rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những quan điểm đang ra sức cổ súy cho sức mạnh tuyệt đối của khoa học công nghệ trên truyền thông như hiện nay, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội cần chủ động trong công tác giáo dục và định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; huấn luyện cho bộ đội tinh nhuệ cả về chính trị và trình độ tác chiến. Trong giáo dục và huấn luyện, cần coi trọng việc lấy ví dụ, tổng kết thực tiễn để truyền đạt kinh nghiệm, củng cố niềm tin cho bộ đội vào phương pháp huấn luyện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, không hoang mang, dao động trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình. Bên cạnh đó, công tác tư tưởng trong quân đội cũng cần đặt ra những yêu cầu mới, theo kịp thời đại của khoa học công nghệ. Yêu cầu căn bản nhất là làm cho những vấn đề mang tính lý luận về đường lối quân sự - quốc phòng và nhiệm vụ quân đội trở thành những việc làm hết sức cụ thể, dễ dàng thấm sâu vào nhận thức, tư tưởng và hành động, việc làm hằng ngày của mọi cán bộ, chiến sĩ; làm cơ sở để chủ động đấu tranh và tham gia đấu tranh thắng lợi với mọi quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Bởi mỗi cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, bản lĩnh chính trị tốt, luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì không một thế lực nào có thể làm lung lay, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét