Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

NHẬN DIỆN “XUYÊN TẠC TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM”


Chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” cùng với vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” là chiêu bài thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do vậy, trên các mạng của các hãng truyền thông quốc tế thù địch với Việt Nam luôn nhan nhản các bài viết xuyên tạc, vu khống tình hình tự do báo chí Việt Nam, nào là “Các bản án tù khắc nghiệt và tự do báo chí tại Việt Nam (RFA)”, “Bắt bớ các nhà báo thể hiện Việt Nam là nhà nước độc đoán”... Đây thực chất là những luận điểm xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch.

Thực tế tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Theo quá trình phát triển, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam bảo đảm và điều này không hề thay đổi cho đến bản Hiến pháp năm 2013 và sự ra đời của Luật Báo chí năm 2016. Hiện nay, cả nước có gần 800 cơ quan báo, hơn 600 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với đầy đủ tất cả thể loại. Nhà nước tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận Internet; được bày tỏ chính kiến trên báo chí, trên không gian mạng, được bảo đảm quyền tự do ngôn luận - nếu chấp hành các quy định của pháp luật.

Thế nhưng, bất chấp những bước tiến vượt bậc trong thực hiện quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng đã được cả thế giới công nhận, thì các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, lực lượng phản động vẫn cố tình bóp méo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Chúng lớn tiếng cho rằng Việt Nam “không có tự do báo chí”, “không có tự do Internet”,... Thực tế thời gian qua, có hàng loạt vụ việc mà sự lên tiếng, phản biện nhiều chiều, mang tính xây dựng của báo chí đã góp phần quan trọng, mang lại hiệu quả xã hội. Trên tinh thần lắng nghe, nhiều cơ quan chức năng đã có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn. Có thể nói, báo chí Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong phản ánh thực tế phát triển của đất nước với những góc nhìn phản biện, đa chiều, phản ánh cả hạn chế, thiếu sót, không tô hồng nhằm góp một tiếng nói xây dựng.

Từ thực tế đó có thể khẳng định không có chuyện Việt Nam vi phạm quyền tự do báo chí, quyền tự do sử dụng Internet, mạng xã hội. Một vài đối tượng từng là nhà báo hoặc “nhà báo tự phong”, “quan chức nhà báo tự phong” bị bắt, phạt tù vì vi phạm pháp luật là hết sức bình thường vì những đối tượng này bị bắt không phải vì họ làm nghề viết báo mà là vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét