Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

BÁO CHÍ VỚI SỨ MỆNH KHƠI DẬY, ĐỊNH HƯỚNG DÒNG CHẢY VĂN HOÁ TÍCH CỰC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI


Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, có bài viết đề cập những vấn đề quan trọng của công tác báo chí. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cùng với những giá trị đạo đức, nhà báo cách mạng, phải có “bút sắc”, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, cơ sở quan trọng để tạo nên những tác phẩm mang tính chiến đấu, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Mỗi tác phẩm báo chí đòi hỏi phải hội tụ đủ yếu tố nhân văn và hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi nhà báo phải chịu khó rèn giũa kỹ năng, “mài sắc ngọn bút” với sự đam mê nghề nghiệp, nêu cao tinh thần sáng tạo, cầu thị, học hỏi, nhất là thường xuyên nghiên cứu học tập phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người làm báo phải bám sát thực tiễn cuộc sống, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, thấu cảm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, “phải học cách nói của quần chúng”, “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”; viết cho dân phải giản dị, cụ thể, biến lý luận thành những điều dễ nhớ, dễ thuộc, “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Và “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét