Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG “4 KHÔNG” CỦA VIỆT NAM LÀ HOÀN TOÀN ĐÚNG ĐẮN


Việt Nam thể hiện mong muốn và quyết tâm trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đồng thời, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; nêu rõ những thách thức và những điều chỉnh trong chính sách, cơ chế lãnh đạo, quản lý, quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ đất nước, sự minh bạch về chính sách cũng như khả năng quốc phòng của Việt Nam.

Việt Nam đưa ra chính sách Quốc phòng “4 không” là thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời bình; mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong chính sách quốc phòng, từ lâu, Đảng, Nhà nước ta đã nhất quán thực hiện chủ trương “bốn không” bao gồm: Không tham gia các liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới và lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn đời nay của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, sức mạnh nội lực, ý chí tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không thể dựa dẫm vào bất cứ một lực lượng hay một đối trọng nào để bảo vệ bờ cõi nước nhà. Bởi vì, suy cho cùng, trong tất cả các mối quan hệ bang giao quốc tế thì lợi ích quốc gia, dân tộc luôn là trên hết và trước hết của chính họ.

Như vậy, với chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam có thể đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Không tham gia các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài. Trong lĩnh vực quân sự, nước ta vẫn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện cam kết vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là, chúng ta đã cử Sĩ quan liên lạc công tác ở Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, v.v.

Chúng ta cần xác định rõ, tất cả các liên minh quân sự đều bắt nguồn từ việc chia sẻ lợi ích. Không một quốc gia nào sẵn sàng hy sinh vì quốc gia khác mà không có lợi ích của mình.

Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược. Như vậy, có thể khẳng định, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh đâu phải chỉ thông qua việc nâng cấp (hoặc mua sắm) vũ khí trang bị, mà yếu tố con người mới là trung tâm của chiến lược quốc phòng.

Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc và không phương hại đến bất cứ một quốc gia nào. Thực chất các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức xuyên tạc Chính sách quốc phòng “4 không của nước ta hòng phá hoại chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm và làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cảnh giác và nhận diện rõ những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc về bản chất chính sách quốc phòng của Việt Nam chính là giữ gìn, bảo vệ vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét