Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

LỜI THỀ VỊ XUYÊN...

 

Từ tháng 4-1984, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên với mưu đồ VẼ LẠI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI của chúng tới phía Bắc suối Thanh Thủy.

Sau trận đánh ác liệt ngày 12/7/1984 tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), hàng trăm người lính hy sinh, ta chưa lấy lại ngay được các điểm cao như kế hoạch đặt ra. Quân ta được lệnh lui về phòng ngự và củng cố lực lượng, chờ thời cơ phản công.

Tháng 10/1984, ta bắt đầu tiến hành vây đánh lấn dũi, đào hào, đào công sự kiên cố, kết hợp tổ chức nhiều đợt tiến công - phòng ngự, vừa đánh vừa giữ để giành lại các vị trí bị Trung Quốc lấn chiếm. Những người lính trẻ ngày ngủ, đêm xuống lại bí mật đào hào từ dốc công binh, cửa hang làng Lò, lấn sang phải là bình độ 300-400, sang trái lấn lên cao điểm 685, tạo thế cài răng lược, nhằm hạn chế tối đa hỏa lực của quân Trung Quốc và giảm thương vong cho đồng đội.

Trận đánh giữ vững điểm E5 của cao điểm 685 diễn ra trong thế giằng co ác liệt bắt đầu từ ngày 12/1/1985. Đến ngày 18/1, cả đại đội chỉ còn chưa đầy 20 người chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc. Trước đó, việc tiếp tế của bộ đội ta cực kỳ khó khăn do bị đối phương khống chế bằng pháo binh. Có lúc hậu cần không tiếp tế được cơm nắm, rau xanh, nước uống thì quân ta đành nhịn đói, nhịn khát.

Trong số các chiến sĩ hy sinh tại cao điểm 685 ngày ấy, có liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (quê Phú Thọ). Nguyễn Viết Ninh là Trung đội trưởng thuộc Sư đoàn 356. Anh đã khắc lên báng súng lời thề: “Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”, sau này những lời thề ấy đã trở thành phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày giữ đất biên cương phía Bắc.Trong một trận đánh, Nguyễn Viết Ninh bị thương tới 3 lần. Hai lần đầu vết thương không quá nặng, anh tự băng bó và tiếp tục chiến đấu. Tới lần thứ 3, anh bị thương ở chân, mất quá nhiều máu, khi được đồng đội đưa về hang Suối Cụt, Nguyễn Viết Ninh đã hy sinh ngày 19-1-1985.

Sau nhiều ngày đánh lấn dũi và tổ chức các đợt tiến công, ta lấy lại được cao điểm 685. Phía Trung Quốc tổ chức tấn công để lấn chiếm lại. Giữa những ngày pháo rền vang ác liệt, những người lính Vị Xuyên vẫn kể cho nhau nghe về lời thề khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356.

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của chúng ta đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Tại các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm... trận chiến đã diễn ra vô cùng ác liệt. Có đợt chỉ trong 3 ngày, quân xâm lược Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đại bác vào khu vực Vị Xuyên. Đá núi như bị nung xốp bởi sức nóng của đạn pháo, đến mức được gọi là “Lò vôi thế kỷ”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét