Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

VỊ TƯ LỆNH TÀI BA CỦA TUYẾN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI

 

Là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, chỉ huy hơn 120.000 quân đảm bảo mạch máu tiếp tế cho cách mạng miền Nam, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để lại những dấu ấn đậm nét trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng sự nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại của 30 năm kháng chiến chống Mỹ - nơi ông đảm trách vị trí tư lệnh của hơn 120.000 ngàn quân trong suốt những năm 1967 - 1976.

Thời điểm ông được Bác Hồ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (1.1.1967) là thời kỳ Mỹ đang đánh phá quyết liệt, bom đạn Mỹ đổ xuống Trường Sơn ác liệt nhất. Đây cũng là lúc chúng ta quyết định chuyển hướng từ vận chuyển bằng gùi, thồ, bằng phương tiện thô sơ sang hoạt động cơ giới. Trước những khó khăn bước đầu, nhiều ý kiến cho rằng, không thể vận chuyển bằng cơ giới được vì nếu địch ngăn chặn, đánh phá, ta sẽ không bảo toàn được lực lượng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp Bộ Tư lệnh 559 (từ 1970 gọi là Bộ Tư lệnh Trường Sơn), chính tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nêu quan điểm, muốn thắng địch, muốn phát triển lực lượng để cân bằng với địch, để cách mạng miền Nam có thể giành được thắng lợi, thì phải vận chuyển bằng cơ giới. Đó là quyết tâm chuyển hướng táo bạo, quyết đoán và cũng là dấu ấn thể hiện bản lĩnh chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên. Trong suốt thời gian giữ chức Tư lệnh Trường Sơn, ông đã kiên định thực hiện chủ trương này. Khi vào Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn. Thế nhưng, chỉ 8 năm sau, đến đầu 1975, tướng Nguyên đã nói với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: "Cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ". Lúc này, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe.

Một dấu ấn nữa của tướng Đồng Sỹ Nguyên là tư tưởng chỉ đạo dũng cảm, táo bạo mà kiên cường. Lúc đầu, để bảo toàn lực lượng, bộ đội ở Trường Sơn chủ yếu là “phòng tránh”, các lán trại cũng đặt cách đường vận chuyển 2 - 3 cây số. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thì thấy rằng, cách hoạt động như vậy không ổn. Ông cho rằng, đánh địch phải bám thắt lưng địch mà đánh, nên bố trí của bộ đội Trường Sơn như vậy sẽ không hiệu quả, gây khó khăn cho việc chỉ huy cũng như hoàn thành nhiệm vụ của các lực lượng. Chính vì vậy, tướng Nguyên đã quyết định yêu cầu tất cả các binh trạm, các chỉ huy, đơn vị phải trực tiếp bám đường, bám trận địa, trực tiếp ngăn chặn sự phá hoại của quân thù với quan điểm “đánh định mà đi, mở đường mà tiến”.

Tướng Nguyên cũng là người chỉ huy rất sáng tạo để tháo gỡ những khó khăn trên chiến trường. Là tư lệnh nhưng ông luôn đi đầu, sát chiến trường, sát trận địa, sát với anh em chiến sĩ để tìm hiểu tình hình từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả cho chiến trường. Khi ấy, Mỹ đánh phá rất ác liệt, đặc biệt là chúng dùng máy bay C-130 ném bom, gây cản trở rất lớn cho lực lượng vận chuyển của ta. Nhiều anh em chiến sĩ khi ấy lo lắng và cho rằng, nếu cứ tiếp tục sẽ hy sinh lớn.

Trước tình hình đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã bàn với lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và đề xuất biện pháp giải quyết bằng cách tạo ra “con đường kín”. Con đường kín ấy giúp chúng ta chạy được cả ban ngày mà địch không thể phát hiện được, từ đó giúp chúng ta tăng được cả tốc độ lẫn lưu lượng vận chuyển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét