Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG COVID-19

 

          Kinh tế – xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo giảm sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

          Bằng quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và những chỉ đạo điều hành kịp thời, hợp lý của Chính phủ, kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi sắc ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…. Những kết quả đó được thể hiện cụ thể:

          Thứ nhất, về kinh tế:

          Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tính chung 6 tháng tăng 6.42%, cao hơn tốc độ tăng 2.04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5.74% của 6 tháng đầu năm 2021. Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8.48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9.66%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116.9 ngàn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 ngàn doanh nghiệp). Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý 3 năm 2022 với 85.0% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 2 năm 2022. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1,301.2 ngàn tỷ đồng, tăng 9.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm của các năm 2018-2022, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng 6 tháng đầu năm và cả năm 2022.

          Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do dịch Covid-19 được kiểm soát, tiến độ gieo trồng lúa hè thu đạt khá, gieo trồng được 1.154,3 nghìn ha lúa hè thu, tăng 5.3% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định đang hồi phục nhanh chóng do dịch bệnh kiểm soát tốt, tổng số lợn ước tính tăng 5.7%, gia cầm tăng 1.9%, tổng số bò tăng 1.6% so với cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng cá tra và tôm thẻ chân trắng tăng cao, ước đạt 134,1 nghìn tấn, tăng 9.6% so với cùng kỳ năm trước; tôm thẻ chân trắng đạt 57,5 nghìn tấn, tăng 15.9%.

          Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9.7% tăng 3.6% so với năm  2021. Nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45.7% do hiệu quả chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại Hà Nội và một số địa phương. Vận tải hàng hóa duy trì đà tăng trưởng cao, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hàng hóa tăng 11.3% và luân chuyển hàng hóa tăng 16.4%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm 2017-2022. Trong  6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%.

Thứ hai, về xã hội:

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 20/5/2022, thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người với số tiền 1,7 tỷ đồng. Để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực trong kỳ giáp hạt, xuất cấp không thu tiền 1.396,08 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Tuyên Quang (310,8 tấn gạo) và Quảng Trị (1085,2 tấn gạo).

Về thể thao thành tích cao đạt được một số kết quả ấn tượng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31): Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với 446 huy chương, trong đó có 205 huy chương vàng, 125 huy chương bạc và 116 huy chương đồng. Với thành tích này, Việt Nam vượt xa kỷ lục của In-đô-nê-xi-a lập tại SEA Games 19 với 410 huy chương, trong đó 194 huy chương vàng, 101 huy chương bạc và 115 huy chương đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, cùng kinh nghiệm chống dịch và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị dịch COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội được Bộ, ngành và địa phương triển khai đạt kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, sự kiện SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam vừa qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch sôi động hơn, tạo cú hích cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Mặc dù xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na vẫn diễn biến phức tạp, giá dầu, lạm phát tăng cao tạo ra những thách thức, rủi ro cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu tuy nhiên trong bối cảnh đó, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét