Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỚI LUẬN ĐIỆU “VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỰ DO BÁO CHÍ”

 

Trong những năm gần đây, hòng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, không ít hãng thông tấn, báo chí phản động trong và ngoài nước rêu rao rằng: “Ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”…, để thực hiện mưu đồ này, các thế lực phản động đã lợi dụng nhiều chiêu bài thâm độc như “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” cùng với vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Mới đây, trên trang blog Tiếng Dân, đối tượng Tạ Duy Anh tán phát bài “Báo chí cách mạng”, đối tượng Nguyễn Khắc Mai tán phát bài “Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; trên trang Chân trời mới Media, đối tượng Phạm Lê Doan tán phát bài “Ai đã cố tình làm cùn báo chí…”, nội dung xuyên tạc Quyết định 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền, “đàn áp” tự do báo chí, tự do ngôn luận, kích động người dân xuống đường đòi trả tự do cho những “nhà báo độc lập” đang bị giam giữ.

Cần khẳng định rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của báo chí cũng như yêu cầu của tự do báo chí với ý nghĩa như một quyền không thể thiếu của con người, một động lực phát triển không thể thiếu của đất nước. Quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng là những quyền được Hiến pháp, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ ngay từ những ngày đầu lập nước. Cùng với sự phát triển của đất nước, của báo chí cách mạng và các nền tảng thông tin truyền thông, các quyền này ngày càng được quy định và điều chỉnh cụ thể theo khuôn khổ của pháp luật. Tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 của nước ta đã khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, Tự do xuất bản, Tự do tổ chức hội họp, Tự do tín ngưỡng, Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Tính đến năm 2022, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử; hơn 600 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với đầy đủ tất cả các thể loại: Báo giấy, báo tiếng, báo hình, báo điện tử. Rõ ràng, sự lớn mạnh này chẳng thể xuất hiện dưới một thể chế mà như các luận điệu xuyên tạc mô tả, là sự phát triển của báo chí bị bóp nghẹt.

Trong suốt quá trình ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong phản ánh thực tế phát triển của đất nước với những góc nhìn phản biện, đa chiều, đã thực sự trở thành diễn đàn ngôn luận và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của các tầng lớp nhân dân, làm tốt vai trò phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.

 Với những luận điệu và thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, không khó để nhận ra đây chỉ là một trong nhiều chiêu bài nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, kích động sự chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của những kẻ vẫn còn đang nuôi tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tự do báo chí từ lâu đã lạc lõng khi tự do ngôn luận, tự do báo chí được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét