Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Việt Nam - nhiều thành tựu trên con đường phát triển


        47 năm sau ngày độc lập, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Việt Nam được ví như một chú phượng hoàng tái sinh từ tro tàn, không ngừng đổi mới mạnh mẽ để vươn lên những tầm cao mới. Báo chí và dư luận quốc tế liên tục đánh giá cao về những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đã đạt được trên con đường phát triển.

        Trong bài viết mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định, Việt Nam là một câu chuyện thành công về phát triển, đạt được những tiến bộ chưa từng có về kinh tế - xã hội trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.

        Kể từ khi quá trình Đổi mới được thực hiện từ năm 1986, cùng với các xu hướng toàn cầu, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD Mỹ. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo.

Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Kết quả sức khỏe được cải thiện cùng với mức sống ngày càng nâng cao. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 tuổi lên 75,4 tuổi trong giai đoạn 1990-2019, cao nhất trong khu vực đối với các quốc gia có mức thu nhập tương tự.

        Nhờ có những nền tảng vững chắc, nền kinh tế đã chứng tỏ được khả năng phục hồi qua các cuộc khủng hoảng khác nhau. Điển hình trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP vào năm 2020 - thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP dự kiến sẽ phục hồi ở mức 5,5% vào năm 2022.

        WB nhận định, Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội.

        Mới đây, theo bảng đánh giá Chỉ số chính phủ tốt Chandler (CGGI) do Viện Quản trị Chandler (Singapore) công bố, Việt Nam được xếp thứ 3 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đánh giá này được thực hiện dựa trên 7 trụ cột gồm: Năng lực lãnh đạo và tầm nhìn xa; luật pháp và chính sách mạnh mẽ; thể chế mạnh; quản lý tài chính; thị trường hấp dẫn; tầm ảnh hưởng và danh tiếng toàn cầu; hỗ trợ phát triển con người.

        CGGI cho rằng, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập, tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42. Việt Nam cũng tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số thu hút đầu tư, thể hiện tốt ở các chỉ số sự hài lòng với các dịch vụ công (thứ 15) và bình đẳng giới (thứ 27). Thành tích mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy, Chính phủ đã tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời bảo đảm một xã hội công bằng hơn.

        Còn đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, đầu năm 2022, niềm tin của doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, trong quý I-2022, chỉ số này đã tăng lên 73 điểm, một lần nữa đạt mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cũng lạc quan trước khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Hơn 2/3 số người được hỏi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II-2022, tăng so với mức 58% của quý IV-2021. Gần 66% số người được hỏi dự báo doanh thu tăng trong quý II, so với 52% của 3 tháng trước đó. Tương tự như vậy, hơn 46% số người được hỏi dự báo số lượng người lao động sẽ tăng trong quý tới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét