Theo V.I. Lênin: “Nghiên cứu con người, tìm những cán
bộ có bản lĩnh. ...đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết
định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy:
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "công việc thành công hoặc
thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Những lời của Bác luôn có giá trị đối
với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta hiện nay.
Quả thật, cốt lõi của công tác cán bộ chính là con người,
có tài mà không có đức sẽ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng
khó; nếu đặt đúng vai trò vào người có trách nhiệm và giỏi chuyên môn, có năng
khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực, thì một người sẽ phát huy, khơi dậy được năng lực
quản lý, chuyên môn, sức sáng tạo để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả công
việc cao gấp nhiều lần.
Thế hệ tôi đã trải qua, được nghe hoặc chứng kiến những
bài toán thực tiễn của cách mạng Việt Nam đặt ra và cách dùng người của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu bước lên con tàu của Pháp để tìm đường cứu nước,
việc chọn đi đến đâu, gặp những ai và sẽ làm gì, dường như đã có trong tính
toán của Bác Hồ. Ði đến một nước, Bác lại có thêm những người bạn, người đồng
hành, để về sau này, khi kháng chiến thành công, người ta vẫn nhắc đến những
câu chuyện về tình bạn xuyên quốc gia của Người. Quan hệ cá nhân của Bác Hồ với
những người bạn quốc tế đã góp phần đem lại uy tín cũng như sự giúp đỡ to lớn
cho cách mạng Việt Nam, đó là bài học quý giá không bao giờ cũ.
Khi về Việt Nam, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Bác
Hồ lại lựa chọn Võ Nguyên Giáp, một nhà sử học, một người nghiên cứu để hoạt động
quân sự. 13 giờ ngày 28-5-1948, lễ phong quân hàm cấp tướng đã được Chính phủ tổ
chức trọng thể tại một hội trường mới dựng bên dòng suối ở cạnh đồi Nà Lọm, Phú
Ðình, Ðịnh Hóa, Thái Nguyên (đồi Nà Lọm nay được gọi là đồi Phong Tướng) cho một
số cán bộ quân đội. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Ðại tướng. Sau
khi sự kiện lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Ðài Tiếng nói Việt
Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác việc phong cấp này dựa theo những tiêu
chuẩn nào, Bác trả lời: Ðánh thắng Ðại tá phong Ðại tá; đánh thắng Thiếu tướng
phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Ðại tướng phong Ðại
tướng. Ngược dòng lịch sử rất đáng suy ngẫm, vì sao Bác Hồ lại vận động, thuyết
phục được nhiều trí thức lớn người Việt từ các nước phương Tây trở về phục vụ sự
nghiệp cách mạng của dân tộc sau Cách mạng Tháng Tám, bất chấp bao khó khăn,
thiếu thốn, nguy hiểm, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tiêu biểu
như trường hợp nhà khoa học Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần
Ðại Nghĩa… Quan điểm đó của Bác Hồ dường như đã là kim chỉ nam cho công tác cán
bộ, nghĩa là: Hãy chọn đúng người cho đúng nhiệm vụ, để cán bộ đó phát huy được
tối đa khả năng của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét