Các quyền tự do, dân chủ luôn là các
quyền thiêng liêng, cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và là
yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do chưa bao giờ và không bao
giờ là tự do chung chung, tự do vô bờ bến. Điều này được thể hiện rõ nét trong
pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Pháp luật Việt Nam chỉ hạn chế quyền
tự do của những người lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự,
an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Ví dụ,
khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hành vi lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân. Việc quy định chỉ hạn chế quyền tự do của những người
lợi dụng pháp luật xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và lợi
ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cộng đồng cũng phù hợp với luật pháp và thông
lệ quốc tế. Cụ thể là, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
(ICCPR) đề cập cụ thể trong một số điều quy định về các quyền có thể chịu sự
giới hạn (Điều 4, Điều 19). Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm
1789 đưa ra các giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận theo đúng định nghĩa của
nó (Điều 4, Điều 10, Điều 11).
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng
quyền tự do ngôn luận để phát ngôn tiêu cực, thù địch trên in-tơ-nét, Ủy
ban châu Âu (European Commission) đã ký Quy tắc ứng xử về chống lại lời nói có
nội dung tiêu cực, thù địch bất hợp pháp trực tuyến với Google (YouTube),
Facebook, Twitter và Microsoft năm 2016. Instagram, Google+, Dailymotion, Snap
và Jeuxvideo.com sau đó đã tham gia Quy tắc.
Thông qua đường lối, chủ trương, chính
sách, pháp luật, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm sự
tham gia của người dân vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền
giám sát, phản biện xã hội của các chủ thể. Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền và
lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể, ủng hộ phản biện xã hội chân
chính để hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp
luật. Nhưng việc lợi dụng cái gọi là bất tuân dân sự để cổ xúy và bảo vệ những
hành vi vi phạm pháp luật, cổ xúy cho việc gây trở ngại đến hoạt động công
quyền cần phải được ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều quan điểm trên thế giới
cũng chỉ rõ tính trái pháp luật của hành vi bất tuân dân sự, phản bác việc lợi
dụng bất tuân dân sự để kích động các hành vi vi phạm pháp luật, gây trở ngại
đến hoạt động công quyền. Pi-tơ Mai-ơ, Giáo sư khoa học chính
trị tại Đại học Wisconsin-Eau Claire (Mỹ), chỉ ra rằng bất tuân dân sự “gây ra
mối đe dọa đối với nhà nước pháp quyền”. Trong một nghiên cứu trên một Tạp chí
về luật của Mỹ, Ét-uốt Ma-rếc chỉ rõ: “Hành vi như vậy có thể được phân loại là
bất tuân dân sự theo nghĩa là nó vi phạm một hệ thống luật có trật tự, nhưng nó
cũng là hành vi không thể được bảo vệ bởi hiến pháp hoặc chế tài tư pháp bất kể
mục đích của nó là gì hoặc sự bất công của các luật mà nó chống lại”. Trên một
phân tích trên tờ Thời báo New York, Sác-lơ Phơ-ran-ken, nhà triết học người
Mỹ, viết: “tôi có thể đúng khi nghĩ rằng một sắc lệnh chống đi bộ đường dài là
một sự vi phạm không cần thiết đối với các quyền của tôi. Tuy nhiên, điều này
không hợp lý khi tôi tổ chức một cuộc đình công khổng lồ trên những con phố tắc
nghẽn giao thông trong một tuần”. Luật sư người Mỹ Mô-rít Lép-man, người được
Tổng thống Mỹ Rô-nan Ri-gân trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống vào năm
1981, dẫn lời Tổng thống Mỹ A-bra-ham Lin-côn, viết: “Mỗi người hãy ghi nhớ
rằng vi phạm pháp luật là chà đạp lên máu mủ của cha mình, và xé bỏ hiến chương
về quyền tự do của chính mình và con cái mình. Hãy để cho sự tôn kính pháp luật
được hít thở bởi mỗi bà mẹ Mỹ đối với đứa con đang nói ngọng nựng nịu trong
lòng mình; hãy để nó được giảng dạy trong các trường học, trong các chủng viện
và trong các trường cao đẳng; hãy để nó được viết trong các sách bổ túc, sách
chính tả, và trong các niên giám; hãy để nó được rao giảng từ bục giảng, được
công bố trong các phòng lập pháp và được thực thi tại các tòa án”. Tòa án nhiều
nước đều không cho phép hành vi bất tuân dân sự làm ảnh hưởng đến lợi
ích chung. Phó Giáo sư luật Ri-sát Mô-lơ, Trung tâm Luật của Đại học
Georgetown (Mỹ), dẫn lời của Chánh án thứ 11 của Tối cao Pháp viện Mỹ Sác-lơ
Êvan Hu-gơ, viết: “duy trì cơ hội thảo luận chính trị tự do đến cùng để chính
phủ có thể đáp ứng ý chí của người dân và những thay đổi có thể đạt được bằng
các phương tiện hợp pháp... là một nguyên tắc cơ bản của hệ thống hiến pháp của
chúng tôi”.
Tóm lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn
nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của các quyền tự do, dân chủ của
người dân với ý nghĩa là một quyền thiết thân của con người, là động lực phát
triển của đất nước. Tuy nhiên, không một quốc gia nào trên thế giới lại dung
thứ các hành vi lợi dụng dân chủ, cổ xúy cho các hành vi vi phạm pháp luật, gây
tổn hại đến trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của
người dân. Nhận diện các biểu hiện lợi dụng “bất tuân dân sự” của các thế lực
thù địch, phản động và cơ hội chính trị để kích động, chống phá là nhiệm vụ
quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong điều kiện hiện nay, không chỉ góp phần
thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và của từng người dân mà còn
có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù
địch, phản động, từ đó chủ động trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp
phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét