Những thành tựu trong công tác phòng,
chống tham nhũng những năm qua đã được khẳng định. Quyết tâm làm trong sạch Đảng, xã hội
của Đảng được chứng minh mạnh mẽ. Vậy nhưng, các thế lực thù địch trong và
ngoài nước với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau ra sức xuyên tạc công
tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực giai đoạn 2012-2022, khẳng định: Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo
quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều
kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích
cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu
thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ,
đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm
chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh
tế-xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với
Đảng, Nhà nước ta. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung
ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin
tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến
cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều trở nên trơ
trẽn, nực cười.
Trong giai đoạn 2012-2022, cấp
ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700
cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ
luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ
Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên
Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ
trang.Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ
thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và
bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có
8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp
tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Tuy nhiên, các hãng truyền
thông nước ngoài có chương trình phát sóng bằng tiếng Việt (BBC, VOA, RFA,
RFI,...), các trang web của Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Chân trời mới, các
blogger cá nhân liên tục đăng tải, phát sóng các bài viết để chống phá, gây
rối, xuyên tạc với tần suất ngày càng phổ biến với những luận điệu hết sức
trắng trợn. Như ngày 19/9/2022, trên trang Facebook Chân Trời Mới Media, đối
tượng Đỗ Ngà tán phát bài “Chống không xuể”; trên trang Blog Đối Thoại tán phát
bài “Càng chống càng xiêu”, nội dung xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng,
tiêu cực của Đảng; chúng cho rằng chế độ
chủ nghĩa là căn nguyên của tham nhũng”; kêu gọi người dân đấu tranh xóa bỏ chế
độ một đảng lãnh đạo và thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt
Nam.
Những luận điệu nêu trên của
các thế lực thù địch là vô căn cứ, quy chụp để bôi nhọ và chống phá Đảng, phủ
định những kết quả to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển của nước ta hạ
thấp vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Âm mưu của các thế lực thù địch là rất tàn độc, để đạt được
mục đích, chúng thay đổi luận điệu để đánh vào tâm lý, lòng tin của quần chúng
nhân dân làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Mục đích
của chúng là chia rẽ nội bộ trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh và sức chiến đấu
của Đảng, làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng từ đó tạo điều
kiện để chúng thực hiện mưu đồ như: Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương đường lối đúng đắn
của Đảng; phủ định giá trị lịch sử và thành quả cách mạng của dân tộc ta. Từ
đó, các luận điệu “mượn gió bẻ măng”, từ chuyện tham nhũng bàn về Điều 4 Hiến
pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, dẫn dắt dư luận hoài nghi, dao động,
chống phá chế độ.
Trong những năm qua, công tác
phòng chống tham nhũng của Đảng ta được thực hiện rất quyết tâm, mạnh mẽ để làm
trong sạch Đảng ta. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục
phòng và đấu tranh chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định
của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài
sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh, có
hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đi liền cùng đó là “khẩn
trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện
nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục
thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu
nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”
để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, góp phần
làm trong sạch Đảng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Các quan điểm, chủ trương của
Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng còn được đề cập
trong các Văn kiện và được cụ thể hóa trong: Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận… đây là cơ sở
chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng.
Điều này được thể hiện ngay
trong đạo luật cơ bản của chúng ta. Cụ thể: Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp 2013 đã
nêu rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải…kiên quyết đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
Không những thế, Nhà nước thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, nghị định, thông tư… tạo thành hành
lang pháp lý vững chắc và chế tài nghiêm khắc để “không thể tham nhũng”, cơ chế
răn đe để “không giám tham nhũng” và cơ chế để “không cần tham nhũng”.
Chúng ta khẳng định công tác
phòng chống tham nhũng của Đảng ta là một tất yếu, khách quan khoa học và nhất
định sẽ thành công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức được
vấn đề này, mỗi cá nhân chúng ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn thâm
độc của các thế lực thù địch. Ý thức trong việc giác ngộ, nâng cao nhận thức
bản thân để biết phân biệt được đúng, sai; không cổ súy, lan truyền thông tin
xấu gây hại cho Đảng và Nhà nước góp phần chung vào sự nghiệp đổi mới, phát
triển và bảo vệ Tổ quốc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét