Tại
Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Nhiều người
giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi
tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em cũng vì đất…".
Nói như vậy để đủ thấy tính phức tạp và hệ trọng của
vấn đề. Đất đai một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, là nguồn sống của nhân dân.
Đây cũng là nguồn lực to lớn của đất nước và là vấn đề hệ trọng đối với sự ổn
định, phát triển bền vững đất nước.
Vì vậy, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính
sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất
đai sẽ là cơ sở quan trọng tạo nguồn lực và động lực mới để phát triển.
Cũng bởi lẽ đó, Nghị quyết 18 được Trung ương ban hành
về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát
triển có thu nhập cao" được đánh giá là cột mốc quan trọng, với những điểm
mới đột phá, hướng đến giải pháp nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật
cho phát triển.
Nghị quyết 18 của Trung ương tiếp tục khẳng định quan
điểm xuyên suốt của Đảng là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện
chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng
hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Nghị quyết có nhiều điểm mới cả
trong quan điểm, mục tiêu, cả trong nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện
Nghị quyết.
Theo đó, về quy hoạch sử dụng đất, Nghị quyết nhấn
mạnh Nhà nước đảm bảo đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy
hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất để hạn chế việc lạm dụng, tham nhũng, tiêu
cực.
Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ hoàn thiện các quy định
để đảm bảo công khai, minh bạch về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử
dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.
Nghị quyết cũng quy định bỏ khung giá đất, đồng thời
yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Đồng thời, Trung ương cũng quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng
nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất.
Khái quát Nghị quyết 18, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung
ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, có 3 điểm mới lớn. Điểm thứ nhất là Nghị quyết
hướng tới nâng cao vai trò của thị trường trong quản lý và sử dụng đất. Điểm
thứ hai là Nghị quyết nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước về đất
đai, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực đất
đai. Điểm thứ ba, Nghị quyết đưa ra định hướng là đảm bảo hài hoà trong lợi ích
giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, trong đó lấy người dân làm trung tâm.
"Nghị quyết 18 nâng cao vai trò của thị trường
trong quản lý và sử dụng đất thì đất đai sẽ được phân bổ một cách hiệu quả hơn.
Khi được phân bổ hiệu quả hơn thì sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn. Nghị
quyết 18 định hướng việc nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước. Năng lực quản
lý của Nhà nước hiệu lực, hiệu quả hơn sẽ khiến kỷ luật trong quản lý sử dụng
đất cũng sẽ tốt hơn. Qua đó, giảm được tiêu cực, tham nhũng trong quản lý và sử
dụng đất", ông Sơn đánh giá. Cũng theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
nếu đảm bảo được sự hài hoà, giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư
làm cho đất đai được sử dụng hiệu quả hơn.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết 18
là đưa ra quy định về bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương
pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ
và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng
tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng
bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc
thực hiện giá đất.
Nói thêm về lộ trình phát triển kinh tế Việt Nam, Phó
trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Hồng Sơn cho biết mục tiêu của Nghị quyết 18 là để
giúp xử lý những vấn đề tồn tại do lịch sử để lại song vẫn đáp ứng được yêu cầu
mới của thực tiễn phát triển. Tại Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng có đặt
ra mục tiêu và lộ trình cụ thể cho phát triển của đất nước đến 2025, 2030 và
2045.
"Nghị quyết 18 ngoài giúp đặt ra những cơ sở
chính trị quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật khác có
liên quan để xử lý những vấn đề đang tồn tại nhưng đồng thời tạo ra được nền
tảng, động lực để cho đất đai có thể sử dụng, quản lý một cách hiệu quả. Qua
đó, giúp chúng ta có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết của
Đại hội 13 của Đảng", ông Sơn nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét