Hưởng ứng Lời kêu
gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, ngay trong đêm 19/12/1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ
súng vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp trong Thành phố,
chính thức mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do
của quân và dân ta trên phạm vi cả nước.
Với tinh thần
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan
cường trong lòng Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ
Chỉ huy Chiến khu XI và được sự chi viện, tiếp tế của quân và dân
ngoại thành, lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ Thành
phố trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh,
thắng nhanh” của chúng.
Đêm 17/12/1947, Trung
đoàn Thủ đô đã tổ chức cuộc rút lui an toàn qua sông Hồng, sông Đuống
trước sự bao vây gắt gao của địch, bảo toàn lực lượng để tiếp tục chiến
đấu lâu dài. Tính từ thời điểm này, Thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng,
song quân và dân Hà Nội đã kiên cường bám trụ, tiến hành chiến tranh
nhân dân trên toàn địa bàn Thành phố.
Trong chiến cuộc
Đông Xuân 1953 - 1954, quân và dân Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh kết hợp
đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự,… nhằm đánh địch ở
ngay hậu cứ - nơi được xem là an toàn nhất của chúng. Các phong trào
bãi khóa, bãi công, bãi thị, nhất là việc chống bắt lính đã diễn ra
sôi nổi ở nhiều nơi và trong mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội.
Cuối tháng
04/1954, giữa lúc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp đang bị
vây hãm nguy ngập, lực lượng trông, giữ kho quân nhu của địch được giác ngộ
cách mạng ở trong Thành phố đã bí mật phá kho dù - một phương tiện
duy nhất để tiếp tế bằng máy bay cho quân địch ở Điện Biên Phủ, v.v.
Ngày
20/7/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, đồng nghĩa với việc thực dân Pháp
phải rút hết quân khỏi Đông Dương. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn còn nằm trong khu
vực tập kết của quân đội Pháp trong 80 ngày. Lợi dụng thời gian này,
quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt.
Trước sức
mạnh đấu tranh của quân và dân Hà Nội, cuối tháng 9/1954, Bộ Chỉ huy
quân chiếm đóng Pháp chấp nhận rút khỏi Thành phố đúng thời hạn.
Đến 16 giờ ngày 09/10/1954, tốp lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long
Biên sang Gia Lâm.
Sáng ngày
10/10/1954, Đại đoàn 308, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô tiến vào nội
thành Hà Nội. Từ sáng sớm nhân dân Thủ đô đã tưng bừng mang theo cờ,
hoa, ảnh Bác Hồ ra khắp các ngả đường chào đón bộ đội hành quân vào tiếp
quản Thủ đô.
Vào lúc 15 giờ, còi
Nhà hát Lớn thành phố nổi một hồi dài, mấy chục vạn nhân dân Hà
Nội và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân
chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Thiếu tướng
Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Trên chặng
đường hành quân lịch sử từ ngày Toàn quốc kháng chiến đến Ngày trở
về giải phóng Thủ đô, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, quân và dân
Hà Nội đã lập nên mốc son chói lọi làm nức lòng quân và dân cả
nước, để lại những bài học quý cho những chặng hành quân tiếp theo
trên con đường độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến tới mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét