Thủ đoạn nói xấu, bôi nhọ cán bộ, đảng
viên đã được các thế lực thù địch thực hiện để chống phá cách mạng nước ta từ
lâu. Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, internet, mạng
xã hội, thủ đoạn này đã được bao phủ rộng hơn; cách thức tiến hành được che đậy
bởi chiếc “bình mới” tinh vi hơn. Nếu như trước đây, nội dung nói xấu, bôi nhọ
cán bộ thường chủ yếu được thêu dệt từ những câu chuyện, sự việc, hành động của
cán bộ ở hiện tại, thì hiện nay, trong thế giới vạn vật kết nối này, việc tìm
chủ đề để đặt điều, thêu dệt nên những câu chuyện nói xấu, bôi nhọ cán bộ dường
như là công việc quá dễ dàng cho những kẻ có “chuyên môn” tọc mạch. Họ bới móc
tất tần tật, từ quá khứ đến hiện tại chuyện đời tư, quan hệ xã hội, tác phong,
năng lực công tác,… của cán bộ, đảng viên; thậm chí, chỉ một hành động, một câu
nói nào đó của cán bộ cũng bị chúng phân tích, mổ xẻ, xuyên tạc ở nhiều góc độ
để thêu dệt thành những câu chuyện thị phi rùm beng. Trước đây, đối tượng được
họ hướng đến để tấn công thường là cán bộ cao cấp hoặc cán bộ thường xuyên trực
tiếp tiếp xúc với nhân dân; nhưng hiện nay mọi cán bộ, đảng viên đều không loại
trừ một ai.
Chúng tận dụng tối đa internet, không
gian mạng để việc nói xấu càng tăng thêm hiệu ứng xã hội. Không những lan
truyền nhanh, len lỏi vào từng ngõ ngách, xóa nhòa mọi khoảng cách, mà còn gây
nên sự nghi kỵ không giới hạn. Cách thức bôi nhọ và tung ra những thông tin bịa
đặt cũng được các thế lực chống phá tiến hành rất đa dạng, tinh vi. Họ thường
đào bới, cắt ghép, xâu chuỗi, thêu dệt, tạo dựng những câu chuyện xuyên tạc các
vấn đề thuộc về lý lịch, quá khứ xuất thân, trình độ học vấn,… của cán bộ. Để
đạt mục đích, các thế lực chống phá không từ một thủ đoạn nào; trong đó, có sử
dụng công nghệ “trí tuệ nhân tạo” để giả tạo hình ảnh, video, clip bôi nhọ cán
bộ rồi tung lên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, họ còn dàn dựng những “cạm
bẫy” nhằm kích động, làm cho nhiều cán bộ mất kiềm chế trong những tình huống
cụ thể để tổ chức quay phim, chụp hình rồi cắt ghép, chỉnh sửa, thêu dệt thành
những câu chuyện gây bức xúc cho dư luận.
Phải khẳng định rằng, các thế lực dù có
tinh vi đến đâu, thủ đoạn thế nào, thì bản chất vẫn không thay đổi, cũng chỉ là
“bình mới, rượu cũ”. Mục đích của họ là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, cán bộ, đảng
viên cần tỉnh táo, nhận rõ phải – trái, đúng - sai. Cổ nhân có câu: “Nhân vô
thập toàn”, nghĩa là chẳng ai mười phần toàn vẹn cả mười. Công cuộc xây dựng
đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không thể tránh khỏi những
thiếu sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong đội ngũ
đông đảo cán bộ, đảng viên cũng sẽ không tránh khỏi việc có những người mắc
phải những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế điều đó, Đảng, Nhà nước
ta đã có những “hàng rào” quy định, luật pháp với những chế tài mạnh mẽ để quản
lý, giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Mỗi cán bộ, đảng
viên ai cũng đều phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện để đạt được những
tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực nhất định. Mỗi cơ
quan, đơn vị đều có những nội quy, quy định, tiêu chuẩn văn hóa cơ quan, công
sở để cán bộ, đảng viên chấp hành.
Đảng, Nhà nước ta cần lắm những ý kiến
phản biện chân thành, góp ý xây dựng, đúng pháp luật để phê bình, lên án, tố
cáo những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên, làm cơ sở để làm trong sạch
nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước. Nhưng cũng kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ lợi
dụng phản biện xã hội, nhân danh “người dân” để đặt điều, vu khống, xuyên tạc,
bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác. Ở nước ta, Hiến pháp và pháp luật có nhiều
điều khoản bảo vệ quyền con người, bảo vệ danh dự, uy tín, bí mật cá nhân, gia
đình, nghiêm cấm các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ, xâm phạm các
quyền này của con người. Tại Điều 21, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam (năm 2013) quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống
riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của
mình”. Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Luật Tố tụng hình
sự (năm 2015) đã quy định việc áp dụng những chế tài xử phạt cụ thể đối với tội
vu khống, bịa đặt hoặc loan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm
trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của
người khác. Khi phạm vào tội này, tùy theo mức độ, tính chất của việc vu khống
mà cá nhân hoặc tổ chức phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng hoặc bị
phạt tù lên đến 07 năm, nhất là đối với việc phạm tội “vì động cơ đê hèn”. Điều
117 của Luật này còn quy định rõ hơn: “Người nào có một trong những hành vi sau
đây nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù
từ 05 đến 12 năm: làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài
liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; làm, tàng trữ, phát
tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây
hoang mang trong nhân dân. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có
thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm”. Không chỉ pháp luật của Việt Nam, mà quốc tế
cũng có luật, điều luật bảo vệ quyền riêng tư, cá nhân của mỗi người. Điều 17,
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) quy định về quyền
được bảo vệ đời tư, khẳng định: không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc
bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm
bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo
vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm đến đời tư.
Như vậy, luật pháp quốc tế và Việt Nam
đã đưa ra những quy định, chế tài để xử lý đích đáng những tổ chức, cá nhân có
hành vi xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ người khác vì những mục đích xấu
xa, đê hèn. Tuy nhiên, đằng sau những hành vi “tiểu nhân” ấy luôn là những mưu
đồ chính trị thâm độc của các thế lực chống phá cách mạng nước ta, khiến chúng
bất chấp tất cả. Điều đó, đòi hỏi mỗi người phải tỉnh táo, nhận diện đúng bản
chất, không tiếp tay và tích cực đấu tranh để loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã
hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét