Diễn ra trong 7 ngày, Hội
nghị Trung ương sáu, khóa XIII tập trung thảo luận, quyết nghị nhiều vấn đề rất
hệ trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Vấn đề đầu tiên được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tập trung
thảo luận là đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022. Với
cách tiếp cận thẳng thắn, Trung ương "điểm mặt" hàng loạt khó khăn, hạn
chế; nhưng cũng đúc rút không ít bài học về sự sáng tạo, linh hoạt trong công
tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, điều tiết nền kinh tế thích ứng
nhanh với diễn biến tình hình; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ
động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Trên cơ sở đó, Ban Chấp
hành Trung ương thống nhất nhiều chủ trương, giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết
biến thách thức thành thời cơ; biến sức mạnh nội sinh và sự sáng tạo của toàn Đảng,
toàn dân thành động lực phát triển trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị lần này, Trung ương dành nhiều thời gian nghiên
cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức
thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến
năm 2050. Trung ương xác định, đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý
nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài; tập trung xác định rõ và đúng những quan điểm,
tư tưởng chỉ đạo; mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và các định hướng lớn về phát triển
và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức
không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị,
nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc
gia... Dư luận kỳ vọng, dù việc Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất rộng
lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ, nhưng từ các quyết sách
lớn tại Hội nghị Trung ương lần này sẽ tiếp tục mở ra thời cơ mới cho những bứt
phá phát triển đất nước.
Niềm tin càng thêm vững chắc khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng
tiếp tục dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để bàn thảo và thống nhất cao
với những nhận định, đánh giá về kết quả, thành tựu tiến hành công nghiệp hóa,
hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; xác định một cách toàn diện, đồng bộ, hệ thống
các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn
nữa sự nghiệp CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời quyết định
ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan
trọng này.
Đặc biệt, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
để không ngừng khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng thì việc tiếp tục đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu tất yếu, cần kíp. Do đó, sau
15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Trung
ương nhận thấy: Cùng với những thành quả đạt được, việc đổi mới phương thức
lãnh đạo của Đảng vẫn còn không ít tồn tại, yếu kém. Chính vậy, việc tiếp tục
đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, hoạch định đường hướng quyết liệt đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả được
Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt tập trung thảo luận, quyết nghị với sự tập
trung trí tuệ và trách nhiệm cao nhất.
Để tinh thần, chủ trương của Hội nghị Trung ương sáu, khóa
XIII đi vào cuộc sống, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mỗi
cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, học tập, quán
triệt, triển khai các kết luận, chủ trương được quyết nghị, ban hành. Trong đó,
mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục tiêu, nội
dung Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiệm vụ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; xác định
cho thật đúng vai trò, vị trí của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong mối
quan hệ được quy hoạch tổng thể, vì sự phát triển chung của các vùng, miền, khu
vực và cả đất nước.
Cùng với đó, mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần nhận thức rất
rõ, mặc dù thành quả đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của
hệ thống chính trị trong thời gian qua là hết sức to lớn, thế nhưng, trong điều
kiện mới, cần tiếp tục kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng,
đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp,
phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng
đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm
nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động
trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng...
Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng,
các cấp ủy, tổ chức đảng nêu cao tính chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị
cao, đồng thời phải thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút
kinh nghiệm; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm lãnh đạo
đã được kiểm chứng về tính đúng đắn.
Cùng với toàn Đảng, toàn dân, thời gian qua, Đảng bộ Quân đội
đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Để hoàn
thành các mục tiêu, nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ
2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH trong
tình hình mới, vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng được
khẳng định trong sứ mệnh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ công
cuộc phát triển đất nước. Cùng với đó, thành quả thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo
tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục
được khẳng định; minh chứng cho tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là yếu tố tiên quyết giúp Quân đội ta
luôn xứng đáng là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân
dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét