Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

VỮNG TIN BẢO VỆ CÁI ĐÚNG, KIÊN QUYẾT CHỐNG MỌI CÁI SAI

 

Sau những thành công của Hội nghị Cán bộ và Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và phản động lại “gầm lên” với thái độ hằn học, tức tối, quyết liệt chống phá Đảng, Nhà nước, Quốc hội và công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của nhân dân ta.

Triệt để khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội, nhất là Youtube, BBC, RFA, RFI, VOV, zalo, viber… các thế lực thù địch liên tiếp mở các đợt tấn công hướng vào chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là xoáy vào việc phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua đó, quy kết, buộc tội, vu khống Đảng, Nhà nước ta “sai lầm nghiêm trọng về công tác cán bộ, công tác tổ chức và giáo dục chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên”; bài xích, phủ nhận những vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cùng với đó, họ ra sức phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, các quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống đại dịch Covid-19...

Lúc này, đẩy mạnh triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đi vào cuộc sống, cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu các tài liệu, văn kiện Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng và tạo sức lan tỏa bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về những điều đảng viên không được làm; nghiên cứu, học tập chuyên đề “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị triển khai đầu năm 2022, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng quân đội “tinh gọn, mạnh”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay là tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo về đường lối đổi mới của Đảng ta, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc những vấn đề lý luận - thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là vấn đề định hướng mục tiêu, lý tưởng, tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân vững tin bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh chống cái sai. Trong đó, chỉ ra sự phi lý, không thể chấp nhận của các quan điểm sai trái, thù địch khi cho rằng: Việt Nam cần phải thay đổi mục tiêu, con đường, định hướng phát triển đất nước, phải lựa chọn con đường khác chứ không phải là tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội; Việt Nam “phải hủy bỏ mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn từ những năm đầu thế kỷ XX. Họ còn cho rằng, Việt Nam phải sớm thay đổi mục tiêu, con đường, định hướng phát triển đất nước theo chủ nghĩa tư bản thì mới có thể “lột xác” để đổi mới, phát triển, Việt Nam mới có điều kiện để hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trở thành “con Rồng, con Hổ ở châu Á”, Việt Nam mới phát triển hùng cường, thịnh vượng...

Các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị cho rằng, Việt Nam cần phải bắt tay “thân thiện” với các nước G7, G20, mở rộng cửa để “đón rước các tập đoàn kinh tế, khoa học, công nghệ, tài chính lớn” trên thế giới vào Việt Nam, coi đó là động lực mới để phát triển đất nước. Họ còn đưa ra nhiều lập luận khác nhau về cái được, cái mất để minh chứng rằng, một số nước Đông Âu trước đây đã từng là nước xã hội chủ nghĩa nhưng đã từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã bắt tay với Mỹ, Nhật, châu Âu và được các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn trợ giúp nên đã “lột xác” phát triển thần tốc, đất nước họ đã mang bộ mặt hoàn toàn mới, kinh tế, văn hóa phát triển mạnh. Vì lẽ đó, họ khẳng định “đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là “thượng sách”, là “thức thời”, giúp Việt Nam tránh được sự bao vây, cấm vận từ các nước lớn, tạo được môi trường hòa bình, ổn định để hội nhập quốc tế, phát triển đất nước.

Đó là phương cách hữu hiệu giúp Việt Nam chấm dứt sự lạc hậu, sớm trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao, có nền văn hóa tiên tiến, hiện đại. Với sự lựa chọn này, Việt Nam không phải lo đối phó với “thù trong giặc ngoài”, có điều kiện để “tăng tốc”, phát triển kinh tế, làm giàu, là cơ hội tốt nhất để hiện đại quân đội, gia nhập khối NATO, nhờ NATO bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia - dân tộc. Đây là thứ vũ khí lợi hại để răn đe các nước có mưu đồ thôn tính Biển Đông, làm thui chột âm mưu xâm chiếm biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam...

Khi những kiến nghị, yêu cầu không được Đảng, Nhà nước ta chấp nhận, thì lập tức, họ đã trở mặt, nói xấu, xuyên tạc sự thật, cố tình hạ thấp danh dự, uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, đưa ra các luận điệu xuyên tạc, bôi đen thành quả cách mạng, phủ nhận giá trị và ý nghĩa công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với đó, họ tiếp tục xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự hoài nghi, bi quan về bản chất khoa học, cách mạng, giá trị và ý nghĩa lý luận, thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta. Theo cách này, họ cố tình tạo ra “khoảng trống” về chính trị trong lòng nhân dân, hình thành dư luận xấu trong xã hội Việt Nam. Qua đó, phân hóa các lực lượng trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập hợp các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động để hình thành phe, nhóm, lực lượng, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì gây áp lực, ép buộc Đảng, Nhà nước ta phải từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và phản động, một số người dân do thiếu thông tin, nhận thức không đầy đủ, đã rơi vào nhận thức lệch lạc, bị “lây nhiễm cái xấu”, nên dao động lập trường, quan điểm, thậm chí rơi vào sai lầm chính trị do không phân biệt được điều hay lẽ phải, cái đúng, cái sai, cố tình bóp méo sự thật, trà đạp lên các giá trị văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, một số người đã mắc phải “căn bệnh cá nhân chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...; căn bệnh này đẻ ra mọi thói hư, tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, tham ô, không chỉ gây nguy hại, làm thoái hóa, biến chất con người và tổ chức, làm cho Đảng ta suy yếu, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dẫn đến tình trạng khinh thường, nhờn lý luận, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, xa rời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam. Tình trạng này đã và đang diễn ra với nguy cơ đáng lo ngại, nếu không có biện pháp ngăn chặn, khắc phục, không được giáo dục, giải thích có cơ sở khoa học sẽ làm cho những người này lún sâu vào “vũng bùn” của nhận thức sai lầm và những hành vi sai trái chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trong cuộc đấu tranh sinh tử vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân thì cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận về đường lối đổi mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam, nhất là sự thành bại trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, trong năm 2022, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần tiếp tục:

(1) Đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và lan tỏa ảnh hưởng, truyền cảm hứng bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và Quy định số 37-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về những điều đảng viên không được làm... Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình hiện nay; là cơ sở khoa học tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng vào đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng ta.

(2) Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thấm nhuần sâu sắc và thực hiện tốt hơn nữa những điều căn dặn của Bác Hồ: Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì trước hết cần phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người mới xã hội chủ nghĩa phải là người cách mạng “có đạo đức và văn hóa cách mạng”. Đây là điều căn cốt nhất, mang ý nghĩa quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dựa vào cơ sở, nền tảng ấy để chủ động và tích cực tham gia cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán, phản bác cái sai, lệch lạc; bình tĩnh, khôn khéo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, những cám dỗ vật chất tầm thường, giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhân cách người cộng sản, thanh danh, uy tín của người cán bộ, đảng viên, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phòng, chống đại dịch Covid-19.

(3) Đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, nắm vững những vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; nâng cao chất lượng, hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị, học tập chuyên đề “Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị triển khai trong toàn quân. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

(4) Kế thừa và phát huy tốt nhất kết quả, thành tựu đã giành được của cách mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của hơn 35 năm đổi mới để tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tranh thủ mọi điều kiện và thời cơ thuận lợi để triển khai toàn diện và đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã vạch ra; thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2022, góp phần xây dựng Quân đội “tinh gọn, mạnh” trong tình hình mới, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thinh vượng, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét