Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CỦA VIỆT TÂN

 

Trong kỷ nguyên thông tin, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Mới đây trang “Chân trời mới Media”, một kênh tuyên truyền của Việt Tân liên tiếp có loạt bài viết đề cập đến vụ việc mua bán bằng giả tại trường đại học Đông Đô nhằm xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trên lĩnh vực giáo dục đào tạo với các tiêu đề: “BẰNG GIẢ, KHÔNG PHẢI CHỈ ĐÔNG ĐÔ”, “NẠN BẰNG GIẢ: GỐC Ở CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH”. Các bài viết trên chúng đều cố ý đổ lỗi đó là do chế độ, do chính sách, do chất lượng của nền giáo dục… đồng thời phủ nhận mọi thành tựu to lớn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Việt Nam. Vậy thực tế có phải như chúng lập luận?

NGUYÊN NHÂN NẠN BẰNG GIẢ DO ĐÂU?

Trong nền kinh tế thị trường, nạn buôn bán hàng hoá giả xảy ra ở mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục đào tạo. Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu nên Luật pháp Việt Nam luôn xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; thực tế cho thấy nhiều vụ việc, nhiều trường hợp đã bị điều tra, xử lý công khai, không có vùng cấm, không có bao che, trong đó có nhiều vụ, việc liên quan đến mua bán bằng giả.

Ngoài ta, hiện tượng buôn bán bằng cấp giả cũng không chỉ xảy ra ở Việt Nam, nó xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ, Canada... Theo CBC (trang báo của Chính Phủ Canada): Một cuộc điều tra của Marketplace về “nhà máy” sản xuất văn bằng lớn nhất thế giới đã phát hiện ra rằng nhiều người dân Canada có thể đang giao sức khỏe và tài sản của mình vào tay của những y tá, kỹ sư, tư vấn viên… giả mạo. Các chuyên gia cho rằng, bằng giả là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la Mỹ, và Marketplace đã có trong tay hồ sơ của tay chơi lớn nhất ngành công nghiệp này - một công ty IT có trụ sở tại Pakistan có tên là Axact. Đó là minh chứng cho việc, bằng giả cũng như một loại hàng hóa giả chỉ khác nó xảy ra ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nó phát sinh ở bất kỳ quốc gia nào, chế độ nào dù là ở đất nước theo chế độ tư bản như Mỹ, Canada hay chế độ XHCN như Việt Nam. Do vậy nạn bằng giả hoàn toàn không phải do chế độ, do chính sách như lập luận của các bài viết trên.

KHÔNG AI CÓ THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TỰU TO LỚN MÀ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO VIỆT NAM ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Từ trước tới nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Ngày 04/11/2013, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, trên tinh thần “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mới đây, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục định hướng phát triển nền giáo dục Việt Nam khi nêu cao tầm quan trọng của việc “phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Việc chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đào tạo đã giúp Việt Nam tạo ra một nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế, chất lượng giáo dục của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao: Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới, theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới; trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); các đội tuyển Olympic Việt Nam qua các kỳ thi đều đạt thứ hạng cao, gần nhất năm 2021, Việt Nam tiếp tục lọt tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với thành tích 12 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 10 huy chương đồng và 2 bằng khen (giải khuyến khích).

Như vậy, không thể lấy việc xử lý vi phạm về mua bán bằng cấp giả ở một trường đại học để đổ lỗi cho cả nền giáo dục, thậm chí xuyên tạc, đổ lỗi cho thể chế, cho chế độ, phủ nhận mọi thành quả mà nền giáo dục Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Rõ ràng, các bài viết trên dùng nhiều lập luận thiếu cơ sở để xuyên tạc, đổ lỗi cho chế độ hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Một âm mưu thường thấy của Việt Tân mà chúng ta cần vạch mặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét