Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

HIỆP ĐỊNH PARIS 1973 - DẤU ẤN TÀI NĂNG NGOẠI GIAO LÊ ĐỨC THỌ


Trong thời gian khoảng 5 năm, Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Cuối cùng, ngày 22/01/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/11/973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên. Nói về kết quả của Hiệp định Paris năm 1973, phải nói về sự đóng góp hết sức quan trọng của một tài năng ngoại giao, đó là đồng chí Lê Đức Thọ - một lãnh đạo cao cấp được Bác Hồ sáng suốt lựa chọn tham gia với tư cách là Cố vấn đặc biệt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger đã chia sẻ trong hồi ký rằng: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ”; “Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo”.

Đó là chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng, Cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ Henry Kissinger trong hồi ký của mình khi nói về đồng chí Lê Đức Thọ - người đối đầu với Kissinger trong cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm tại Paris với 501 cuộc họp công khai và hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật giữa 2 bên.

Kissinger là một nhà ngoại giao lão luyện của Mỹ, là Tiến sỹ Luật học, giảng dạy trường ĐH Harvard, rất giàu kinh nghiệm. Trong khi Lê Đức Thọ là một nhà lãnh đạo, một nhà cách mạng và chưa từng làm ngoại giao bao giờ thế mà đối đầu với đối tác, đối tượng rất sừng sỏ như vậy… thì đồng chí Lê Đức Thọ phải nói là một ngôi sao sáng trong cuộc đàm phán này.

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, Học viện Báo chí & Tuyên truyền nói: Ông không chỉ là Cố vấn mà ông thực sự là linh hồn của đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ở ông, với cương vị là Cố vấn đặc biệt, ông đã thể hiện vai trò rất là rõ của mình trong việc thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, của TƯ trong vấn đề kiên định về mặt ngoại giao: Nước Việt Nam phải độc lập thống nhất, Mỹ phải rút quân về nước, công việc của Việt Nam do người Việt Nam tự giải quyết. Đấy là nguyên tắc trong ngoại giao và Lê Đức Thọ đã rất kiên định nguyên tắc này trong suốt quá trình ngoại giao gần 5 năm trời như vậy.

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ đã từng chia sẻ: Trên bàn đàm phán, có giai đoạn Mỹ đòi ta không được đưa thêm quân miền Bắc vào miền Nam. Mỹ còn đưa ra các bằng chứng để cáo buộc ta về việc này. Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu chụp từ vệ tinh bộ đội của ta đang ở trong rừng không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ mà Mỹ cho là đang trên đường hành quân vào Nam. Cố vấn Lê Đức Thọ rất nhanh, phản ứng trước tiên bằng tiếng cười to, chắc, khỏe. Rồi đồng chí nói, tình báo của các ông tồi lắm… Tôi nói với các ông chứ rừng Việt Nam chỗ nào chả giống chỗ nào. Các ông ra Bắc chụp quân mà đội mũ cối, sao vàng, đeo lon thế này là bình thường. Nhưng lúc chúng tôi đưa đại pháo và cả xe tăng vào Sài Gòn thì tình báo các ông lại chẳng biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải. Kissinger ngồi không nói được câu nào!

Đồng chí Lê Đức Thọ trong quá trình công tác đã từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Thống nhất TƯ, Trưởng Ban Tổ chức TƯ, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc TƯ, Ủy viên Quân ủy TƯ, Bí thư TƯ Cục miền Nam… Bằng trí tuệ, bản lĩnh và tài năng của một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm, đồng chí đã có những đóng góp xuất sắc thực hiện thắng lợi chủ trương của TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bàn đàm phán Paris, góp phần to lớn giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét