Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 


Ngay sau khi công bố bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình lèo lái, cắt cúp, sử dụng ngôn ngữ vừa kích động vừa mị dân, dẫn dắt có chủ ý để không chỉ dừng lại ở sự xuyên tạc nội dung bài viết của Tổng Bí thư mà sâu xa hơn chính là âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thổi phồng những hạn chế trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, những tồn tại trong công tác quản lý kinh tế... để gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng bản chất vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là sự thật không thể phủ nhận

CNXH LÀ GÌ? CNXH theo học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom, làm cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ. Xây dựng CNXH ở Việt Nam được tiến hành xuyên suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thông qua các kỳ Đại hội đều khẳng định nhất quán độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam có thể thấy “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Trong hơn 9 thập niên lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định độc lập dân tộc và CNXH. Đồng thời, việc đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta. Bởi, thực tiễn công cuộc đổi mới cho thấy, kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là phải gắn tăng trưởng phát triển kinh tế với chính sách tiến bộ và công bằng xã hội ở ngay trong từng bước và trong suốt quá trình xây dựng CNXH.

Việt Nam quá độ lên CNXH là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên phá hoại, cản trở, gây khó khăn. Xây dựng xã hội thực sự vì con người, lấy con người làm trung tâm, không vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người, không để "cá lớn nuốt cá bé". Việt Nam quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (tức là chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản như áp bức, bất công, bóc lột...), song không bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa. Hiện nay, kinh tế, tăng trưởng và sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững, xã hội còn gia tăng khoảng cách giàu nghèo; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên... Trong khi đó, các thế thù địch lại luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định đất nước.

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất rõ ràng và chặt chẽ; thể hiện tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo, kiên định và làm tròn trách nhiệm của mình cao hơn nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đạt được các chỉ tiêu vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét