Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

5. "Dân thụ hưởng" là động lực... “Dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là sự kế thừa sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân.

Bác Hồ cũng từng chỉ ra rằng : "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Phương châm này xác định rõ về chủ thể, về trách nhiệm của dân đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích của dân làm trung tâm, hài hòa trong lợi ích của tập thể, cộng đồng dân cư và lợi ích của Nhà nước.

Trong đó “dân thụ hưởng” luôn tạo ra động lực to lớn để Nhân dân thực hiện mang lại hiệu quả cao. Thực tế đã chứng minh trong vận động Nhân dân đóng góp thực hiện các công trình phúc lợi, dân sinh… đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Nhân dân đã nhìn nhận những gì mà mình được thụ hưởng ngay trong cuộc sống; đó là một thực tế sinh động tiếp thêm động lực cho Nhân dân quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày đàng hoàng hơn, tốt đẹp hơn.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” luôn đi liền với nhau, tác động bổ sung cho nhau, để quyền làm chủ của Nhân dân luôn được phát huy với hiệu quả tốt nhất.

Dân vận khéo cũng phải thấm nhuần phương châm này một cách sâu sắc và toàn diện.

Trong đó “dân thụ hưởng” phải được xem là động lực vô cùng quan trọng, động viên mọi cố gắng, nỗ lực và sức sáng tạo của Nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Nhà Nước .


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét