Thời gian gần đây, trước mối lo ngại dịch COVID-19, một
số cửa hàng đã lợi dụng tuyên truyền sai sự thật về các thiết bị phòng chống
dịch nhằm để bán hàng cho người dân, chính vì vậy không ít gia đình đã chi
nhiều tiền vì tin vào lời quảng cáo "thần thánh" của một số cá nhân,
cửa hàng kinh doanh để mua các sản phẩm phòng, chống dịch như thẻ đeo, máy lọc
không khí diệt 99,9% vi-rút. Tuy nhiên theo giới chuyên môn, hiện chưa có
nghiên cứu nào chứng minh thẻ đeo hay máy lọc không khí thông thường có thể
dùng để bảo vệ sức khỏe con người khỏi COVID-19.
Trước
diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày qua, nhiều người rất lo lắng
về việc tìm các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, nghe theo sự chia
sẻ của phần tử xấu lời dụng trên mạng xã hội, nhiều ngày qua nhiều người đã đến
các trung tâm điện máy, cửa hàng điện tử để tìm mua sản phẩm máy lọc không khí
kháng khuẩn, diệt vi-rút vì tin rằng, sản phẩm này sẽ giúp cải thiện chất lượng
không khí trong nhà và ngăn chặn được sự lây lan của dịch COVID-19.
Cũng
"ăn theo" dịch COVID-19, lợi dụng sự lo lắng của người dân, không ít
người bán hàng đã chớp thời cơ quảng bá một sản phẩm có tên gọi thẻ đeo kháng
khuẩn, thẻ đeo diệt vi-rút, trong đó còn diệt được cả COVID-19. Theo những
người bán hàng thì loại "bùa thần thánh" này là mặt hàng được xách tay
từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Họ khẳng định chắc nịch rằng, đây là những mặt hàng
được ngành y tế các nước trên thế giới khuyên dùng khi có dịch bệnh. Loại thẻ
này chỉ cần đeo vào bất kể chỗ nào trên người đều có công dụng làm sạch không
khí chung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, vi-rút có hại xâm nhập. Theo quảng cáo, cơ
chế hoạt động của loại thẻ trên phát ra khí Clo dioxit (ClO2) với hàm lượng an
toàn để tiêu diệt vi-rút và vi khuẩn gây bệnh trong không khí. Giá cho loại thẻ
này cũng khá "loạn", mỗi nơi một giá, với mức từ 150 đến 450 nghìn
đồng/sản phẩm.
Trước
thông tin trên PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Thực
phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: Thẻ chống vi-rút không hề có
tác dụng phòng, chống dịch Covid-19 như người bán hàng giới thiệu. Ðây chỉ là
những lời quảng cáo đánh vào tâm lý người tiêu dùng nhằm trục lợi. Hiện trên
thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng sản phẩm này để
phòng dịch COVID-19 bởi việc tạo nên vùng không khí trong lành bao quanh cơ thể
chỉ với biện pháp đeo thẻ diệt vi-rút là điều không thể xảy ra. Nếu có tác dụng
thật sự thì các bác sĩ, y tá chỉ cần đeo loại thẻ này và không cần dùng đến đồ
bảo hộ y tế khi tiếp xúc với những người bệnh nhiễm Covid-19. Người dân cần
thận trọng, bình tĩnh làm theo các khuyến cáo của ngành y tế về cách phòng,
chống dịch bệnh, không nên tin vào những lời chia sẻ vô căn cứ trên mạng xã hội
để tránh "tiền mất, tật mang" vì chủ quan khi đeo thẻ mà lơ là phòng
bệnh.
Ðối
với sản phẩm máy lọc không khí có tính năng diệt khuẩn, diệt vi-rút, theo lời
của một số kỹ sư trong lĩnh vực điện máy, hiện có nhiều công nghệ lọc không
khí, phổ biến nhất hiện nay là sử dụng công nghệ màng lọc HEPA - bộ lọc hạt
không khí tiêu chuẩn cao gồm một tấm lưới các sợi thủy tinh có đường kính từ
0,5 đến 2 micromet, được sắp xếp một cách ngẫu nhiên và đan xen lẫn nhau. Cơ
chế hoạt động của các loại máy lọc khi sử dụng loại màng lọc này có thể giữ lại
một số vi khuẩn bám trên bụi lơ lửng trong không khí, nhưng hầu hết đó chỉ là
bụi thô có kích thước lớn. Còn với vi-rút gây ra dịch COVID-19 là một loại
vi-rút có kích thước nhỏ hơn cả vi khuẩn, tương đương 0,1 đến 0,3 micromet,
nghĩa là vượt qua khả năng lọc của màng lọc HEPA. Vì vậy, việc sử dụng máy lọc
không khí thông thường với màng lọc HEPA, không có tác dụng lọc cho nên quảng
cáo máy lọc không khí có thể tiêu diệt vi-rút, vi khuẩn, thậm chí diệt tới 99%
là chuyện hết sức viển vông. Còn với một số loại máy trang bị thêm công nghệ
ion âm, khi hoạt động, sẽ phóng ra các ion âm vào không khí để sản sinh ra các
hạt điện tích, phản ứng với vi khuẩn và vi-rút để phá vỡ cấu trúc hoặc bao kín
và cô lập các vi sinh vật này, khiến các loại vi sinh vật bị tiêu diệt hoặc
nhanh chóng lắng xuống, giúp loại bỏ nguy cơ lây bệnh. Nhưng các công nghệ này
phần lớn chỉ đúng trên lý thuyết quảng cáo, chưa có khuyến cáo cụ thể, cũng như
kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn.
Chính
vì vậy, để phòng tránh dịch COVID-19, đừng cực đoan hóa bất cứ phương pháp nào
và nên tuân thủ thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế bằng cách đơn giản và
hiệu quả nhất là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đeo khẩu
trang ở nơi đông người, khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Luôn mở
cửa phòng thoáng gió, không khí lưu thông, có ánh nắng tự nhiên sẽ khiến vi-rút
tự chết mà không cần đến các loại máy móc công nghệ hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét