Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa
phương đang tích cực tiến hành công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Một trong những công việc quan
trọng dịp này chính là rà soát nhân sự có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và đạt
các tiêu chí cần thiết để hiệp thương, đưa vào danh sách bầu cử đúng theo quy
định của pháp luật. Trong đó, niêm yết công khai việc kiểm soát, kê khai tài
sản, thu nhập của cán bộ được xem là yếu tố quan trọng, là cơ sở để nhân dân lựa
chọn được những đại biểu ưu tú, đẩy nhanh thực hiện hiệu quả khát vọng xây dựng
Việt Nam hùng cường. Làm tốt công tác này cũng là thiết thực đưa phương hướng,
nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng đã được xác định trong văn kiện Đại
hội XIII của Đảng: “Kết hợp giữa giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đề cao
pháp luật của Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho
cán bộ, đảng viên".
Kiểm soát tài sản và thu nhập của cán
bộ, đảng viên đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai từ lâu. Ngày
17-7-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản,
thu nhập. Ở thời điểm ấy, sự ra đời của nghị định được xem là một bước tiến,
được dư luận rất kỳ vọng đồng tình ủng hộ. Dư luận tin là tham nhũng, lãng phí
và tiêu cực sẽ bị đẩy lùi bởi công cụ này. Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai
nhận thấy việc này được tổ chức còn nhiều bất cập; chưa được tiến hành tới nơi,
tới chốn và hiệu quả thấp vì nhiều nguyên nhân. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào
cơ quan chức năng khởi tố vụ án và điều tra thì việc kiểm tra, kiểm soát tài
sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên vi phạm mới được phát hiện, làm rõ. Ví dụ,
giai đoạn 2006-2016 chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không
trung thực; 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện
việc kê khai tài sản, thu nhập. Năm 2017, có 78 người được xác minh tài sản,
thu nhập và phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Năm 2018, có 1.136.902 người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ phát hiện 6
trường hợp vi phạm.
Để có một công cụ mạnh mẽ hơn trong
phòng, chống tham nhũng, ngày 30-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số
130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi tắt là kiểm soát tài sản, thu nhập) và có
hiệu lực từ ngày 20-12-2020. Nghị định này quy định rất rõ đối tượng, nội dung,
thời gian, phương pháp tiến hành. Tuy nhiên, qua theo dõi nhận thấy nhiều cơ
quan, đơn vị, địa phương triển khai chậm, thậm chí không ít nơi chưa triển
khai. Bằng chứng là nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa niêm yết công khai
bản kê khai tài sản, thu nhập của 105 đối tượng cán bộ, công chức trước khi có
biến động thực hiện nhiệm vụ hoặc được điều động, bổ nhiệm như nội dung của nghị
định yêu cầu.
Kiểm soát tài sản, thu nhập là nội
dung được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng, nhằm ngăn ngừa tham nhũng,
ngăn chặn sự độc quyền, lạm quyền, rửa tiền và thao túng chính trị. Nó bảo đảm
cho nền hành chính hiện đại hoạt động liêm chính, đề cao tinh thần phục vụ, vì
dân, vì đất nước phát triển phồn thịnh. Đối với nước ta, kiểm soát tài sản, thu
nhập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được triển khai từ nhiều
năm. Nó được kỳ vọng là loại “vaccine” đặc hiệu, ngăn ngừa tham nhũng, câu kết
tham nhũng cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Nhìn rộng ra, kiểm soát tài sản,
thu nhập của cán bộ còn trở thành giải pháp rất quan trọng củng cố niềm tin của
nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng vững chắc. Bởi sự lãnh đạo của Đảng
được hiện hữu thông qua năng lực, trí tuệ, đạo đức, phong cách của mỗi cán bộ,
đảng viên.
Ở nước ta, kê khai tài sản, thu nhập
vốn được xem là vấn đề nhạy cảm; là lĩnh vực riêng tư của cán bộ. Do việc kiểm
soát, đánh giá tài sản kê khai rất phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan
chuyên môn; do quy định xử lý các tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn
gốc mới chỉ dừng lại ở kiểm điểm và kỷ luật; do việc sử dụng tiền mặt còn phổ
biến trong các giao dịch thương mại... nên nhiều cán bộ, đảng viên không trung
thực và kê khai thiếu đầy đủ.
Một trong những
phẩm chất cốt lõi và cần thiết nhất của cán bộ, đảng viên là sự trung thực. Chỉ
có trung thực và thật thà mới giúp cán bộ, đảng viên ngay thẳng, trung thành,
đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Một trong những đặc
trưng ưu việt về chế độ chính trị ở nước ta chính là nằm ở tinh thần tiên
phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Nếu cá nhân không trung thực, gương mẫu
kê khai tài sản, thu nhập với Đảng, với nhân dân thì sự trung thực ấy chỉ là...
nửa vời, sự ưu việt của chế độ sẽ không còn nhiều giá trị, ý nghĩa.
Hiện nay, chủ nghĩa
sùng bái vật chất, chủ nghĩa đồng tiền trong không ít người, kể cả cán bộ, đảng
viên như ngọn lửa sẵn sàng bùng cháy dữ dội khi có thời cơ. Nó là căn nguyên
khiến nhiều cán bộ, đảng viên không giữ được liêm chính và tinh thần phụng sự
Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sa vào tham nhũng. Hệ lụy tất yếu của nó là sinh ra
các hiện tượng “chạy” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ ra. Nó cũng
là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng và khoét sâu tuyên truyền chống phá,
gây chia rẽ và mất niềm tin trong nhân dân. Thế nên, để cán bộ, đảng viên
“không dám tham nhũng” như mục tiêu mà Trung ương từng đề cập thì vấn đề kiểm
soát thu nhập của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức quyền có ý
nghĩa rất quan trọng. Kiểm soát được thu nhập của cán bộ chức quyền là giúp
kiểm soát được quyền lực, chống lạm quyền, lộng quyền. Nó là biện pháp đủ mạnh
để chấn hưng đạo đức xã hội đang có nguy cơ xuống cấp và thậm chí có lĩnh vực
rơi vào “báo động đỏ”. Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả là giải
pháp mạnh trong phòng, chống tham nhũng, hoàn toàn phù hợp với chủ trương mà
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Để thực hiện tốt việc này thì vấn
đề quan trọng là cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thực hiện theo đúng
nội dung mà nghị định đã ban hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và bí
thư cấp ủy các cấp. Cần đưa hoạt động kê khai, niêm yết công khai tài sản, thu
nhập của cán bộ, đảng viên vào tiêu chí để bình xét chất lượng đảng viên, đánh
giá thi đua và khen thưởng.
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của
cán bộ rất quan trọng vì thông qua đó sẽ chỉ ra được nguồn tài sản bất minh.
Đặc biệt, đây là cơ sở để nhân dân, cử tri lựa chọn đại biểu ưu tú bầu vào Quốc
hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; lựa chọn được người xứng đáng đại diện
cho quyền lợi của chính mình. Để nghị định có hiệu lực, thiết nghĩ Chính phủ
nên nghiên cứu đưa ra quy định xung quỹ những tài sản mà cán bộ, đảng viên có
chức-quyền không chứng minh được nguồn gốc. Đây sẽ là “đòn đánh” mạnh để diệt
trừ “sâu mọt”, nhằm phát huy hiệu quả, vai trò giám sát của nhân dân trong
phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ráo riết chỉ đạo thực
hiện chủ trương không dùng tiền mặt một cách triệt để; đồng thời đẩy nhanh tiến
độ cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, đảng viên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét