Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

"PHỤ NỮ VIỆT NAM ANH HÙNG, BẤT KHUẤT, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG"

(Kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3/1910-08/3/2021, 1981 năm cuộc khởi nghĩa hai bà trưng 40-2021)

Trong dòng chảy lịch sử đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ luôn đóng một vai trò trọng yếu. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2021 và 1981 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chúng ta cùng ôn lại lịch sử hào hùng của một số phụ nữ Việt Nam nổi tiếng: Giàu lòng yêu nước, nhân ái, bao dung khiêm nhường, hy sinh cao cả vì gia đình, vì đất nước, tài trí, bản lĩnh, kiên cường, luôn nêu cao tinh thần và phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang”.

1. Nữ vương đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta là hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, là 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc giành chủ quyền dân tộc. Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương.

2. Nữ chiến sỹ cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), một nữ chiến sĩ cộng sản tiền bối trên quê hương Xô viết, người đã làm rạng danh truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam..

3. Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trẻ nhất là chị Võ Thị Sáu (1933 - 1952). Chị như một biểu tượng Liệt nữ Anh hùng tiêu biểu trong cuộc Kháng chiến chống Pháp.

4. Nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là Trung tá Nguyễn Thị Chiên (1930 - 2016), quê xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bà chỉ huy đội nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình) hoạt động hiệu quả, táo bạo dũng cảm, nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”.

5. Nữ tướng duy nhất của Việt Nam ở thế kỷ XX là thiếu tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992). Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “…Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho dân tộc ta”.

6. Chủ nhân của “Nụ cười chiến thắng” trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bà Võ Thị Thắng (1945-2014), với “Nụ cười chiến thắng” nổi tiếng tại phiên tòa của Mỹ ngụy năm 1968 và câu nói "...tôi chỉ sợ chính quyền của các ông không tồn tại nổi đến khi tôi mãn hạn tù".

7. Bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) - Người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định Paris năm 1973. Bà nguyên là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một trong những nhân vật chủ chốt trong Hội nghị Paris, Hội nghị đánh dấu những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Bà cũng là nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ và là người nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước.

8. “Huyền thoại mẹ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010), tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ Thứ có 9 người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại lần lượt hy sinh. Cuộc đời mẹ Thứ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài bất hủ của tinh thần yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

9. Nữ đại tá tình báo giỏi nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân (1916-1995), người tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ.

10. Người phụ nữ vác đạn nặng nhất trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước là Anh hùng Ngô Thị Tuyển, sinh năm 1946 tại Nam Ngạn, Hàm Rồng, Thanh Hóa. Năm bà 19 tuổi với cân nặng chỉ có 42 kg nhưng bà đã vác 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng Thanh Hóa…

Đó là những minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét