Không phải đến thời điểm hiện tại các đối tượng chống phá mới tiến hành
chống đối bằng chiêu trò “tự ứng cử”. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, chúng ta cũng đã được chứng
kiến một “làn sóng” tự ứng cử của các “nhà dân chủ” và một số văn nghệ sĩ biến
chất. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng
này lên mạng xã hội rêu rao những luận điệu hết sức sai trái như: chỉ có những
người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để
các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải
trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng
cử vào đại biểu Quốc hội v.v…
Có thể thấy mục đích cơ bản nhất của chiêu trò “tự ứng cử” mà các “nhà dân
chủ” đang thực hiện là nhằm phá hoại bầu cử. Đồng thời, thông qua việc tự ứng
cử đại biểu Quốc hội, các đối tượng đánh bóng tên tuổi của bản thân trong giới
“dân chủ”.
Ngoài ra, những thông tin được các đối tượng xấu đưa ra đã trở thành cái cớ
cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích
công tác bầu cử của Việt Nam. Pháp luật nước ta quy định công dân nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai
mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử
và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định. Không ai có quyền cản trở
việc công dân thực hiện những quyền này.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập
hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát
tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở
địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do
nhân dân địa phương bầu ra, quyết định các vấn đề của địa phương do luật định,
giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện
nghị quyết của HĐND.
Chính vì vậy, những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND
các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Trong đó, các tiêu chuẩn cơ
bản đối với ứng viên là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn
đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham
nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi
vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức
khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội;
liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín
nhiệm…
Việc lựa chọn những ứng cử viên để bầu vào Quốc hội,
HĐND các cấp được tiến hành theo đúng quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc
hội và HĐND các cấp. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về
lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại
biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu
chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức,
chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến
uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét